Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ

Song Kỳ| 02/09/2011 07:08

(HNM) - Mỗi dịp Quốc khánh 2-9 trước, tỉnh Long An đều tổ chức đoàn lên TP Hồ Chí Minh thăm và chúc thọ Giáo sư Trần Văn Giàu, người con của quê hương Long An...


Lãnh đạo tỉnh Long An mừng thọ GS Trần Văn Giàu.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, thông tin ấy làm phấn chấn cả Nam bộ. Với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam kỳ kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ, ông Trần Văn Giàu đã triệu tập hội nghị Xứ ủy khẩn cấp tại Chợ Đệm (Bình Chánh, Sài Gòn) vào ngày 20-8-1945 để bàn việc tổ chức khởi nghĩa ở Nam bộ. Tỉnh Tân An (nay là Long An, quê hương GS Trần Văn Giàu) được chọn làm điểm khởi nghĩa đầu tiên, từ đó rút kinh nghiệm phát động khởi nghĩa toàn Nam bộ. Ngay hôm sau (21-8-1945), khởi nghĩa đã nổ ra và thành công trọn vẹn ở tỉnh Tân An, sau đó tiếp tục dồn dập nổ ra ở các tỉnh, thành Nam bộ, kết thúc bằng ngày 25-8-1945, Trần Văn Giàu và các đồng chí của mình đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Gia Định giành chính quyền về tay nhân dân.

Sinh thời, GS Trần Văn Giàu cho biết, ngày 31-8-1945 Trung ương điện vào thông báo, lúc 14h chiều ngày 2-9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ đã quyết định tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn vào đúng thời điểm đó để đồng bào Sài Gòn - Gia Định được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập truyền trực tiếp từ Hà Nội. Dù chỉ có hơn một ngày chuẩn bị, nhưng Lễ Độc lập tại Sài Gòn đã biến thành một cuộc diễu hành lớn chưa từng có ở đây. Hàng triệu người đã tập trung trên Đại lộ Cộng Hòa (nay là Đại lộ Lê Duẩn) để chờ giờ khai lễ. Cả Sài Gòn tràn ngập cờ hoa và các khẩu hiệu "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm", "Độc lập hay là chết", "Đả đảo thực dân Pháp"... viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga.

Diễn thuyết trong thời khắc thiêng liêng

Thế nhưng, đã tới 2 giờ chiều, mà buổi lễ vẫn chưa bắt đầu. Hàng triệu đồng bào Sài Gòn sốt ruột chờ đợi. Ban tổ chức càng sốt ruột hơn khi thời điểm khai lễ ở Hà Nội đã qua 30 phút mà ở Sài Gòn vẫn không bắt được tín hiệu radio. Sau này, GS Trần Văn Giàu mới biết, do thời tiết hôm ấy quá xấu, thiết bị thu sóng lạc hậu, nên các ông đã không nhận được tín hiệu từ Hà Nội. Ban tổ chức hội ý chớp nhoáng, phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ phát biểu trước đồng bào. Đây là nội dung nằm ngoài dự kiến. Ông Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội mấy ý chính rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu bài diễn văn trước hàng triệu đồng bào Sài Gòn. Mở đầu, ông Trần Văn Giàu tuyên bố: "Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống. Song cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa. Kẻ địch toan tính gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan". Ông hỏi những người dự lễ: "Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?". Cả triệu người đồng thanh đáp lại: "Không! Không! Không!" vang dội một góc trời. Thay mặt hàng triệu người dân Nam bộ, ông nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc: "Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng". Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!". Sau đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên thệ "Xây dựng độc lập hoàn toàn cho Việt Nam". Đại diện nhân dân Sài Gòn đã đọc tiếp lời thề: "Không đi lính cho Pháp - không làm việc cho Pháp - không bán lương thực cho Pháp - không dẫn đường cho Pháp"!

Trở về nơi ra đi

Cuộc đời hoạt động cách mạng của GS Trần Văn Giàu luôn sôi động, phong phú, bắt đầu từ người sinh viên du học tham gia Đảng Cộng sản Pháp, rồi học Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) trước khi về nước lãnh đạo Xứ ủy Nam kỳ, bị giặc Pháp bắt tù đày và vượt ngục… cho đến những công trình lịch sử đồ sộ, rồi Giải thưởng Trần Văn Giàu để lại cho hậu thế... Bỏ lại tất cả ở sau lưng, vị GS uyên bác của đất Nam bộ đã trở về an nghỉ trên vuông vườn của cha mẹ ở một xóm nhỏ.

Từ TP Tân An (Long An) đi về hướng Nam chừng 15 cây số là tới thị trấn Tầm Vu thuộc huyện Châu Thành. Đi tiếp về xã Dương Xuân Hội, len lỏi qua những con đường liên ấp là tới nhà thờ tộc Trần Văn (ấp Hồi Xuân). Trong căn nhà cấp 4 xây cất đơn giản, bàn thờ GS Trần Văn Giàu bên cạnh bàn thờ cha mẹ, ông bà. Cuốn sổ tang có dòng lưu bút của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Người con ưu tú của Nam bộ thành đồng, người lãnh đạo tài năng, người trí thức, nhà khoa học uyên bác, người đảng viên cộng sản kiên trung. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí thật to lớn và mãi mãi ngời sáng!". GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh viết: "Vô cùng thương tiếc GS Trần Văn Giàu, một nhà tư tưởng lớn, một cây đại thụ trong ngành sử, chính trị, khoa học xã hội, một trí thức chân chính".

Trước nhà chừng 100 mét là khu mộ gia tộc Trần Văn đang xây dựng sắp hoàn thành. GS Trần Văn Giàu không có con. Cách đây hơn 10 năm, GS đã nhờ các cháu làm sinh phần cho vợ chồng ông nằm cạnh nhau, gần phần mộ cha mẹ, ông bà. Năm 2005, người bạn đời của ông, bà Đỗ Thị Đạo từ trần, di cốt để tại quê nhà, chờ khi GS qua đời để cùng song táng. Các cháu ông cùng chính quyền địa phương đã xây dựng mộ chí cho ông bà và cả khu mộ gia tộc khang trang, tôn nghiêm, nhưng khiêm tốn, giản dị như tính cách của GS. Những ngôi mộ ốp đá hoa cương màu đen, trên một gò đất cao ráo, luôn lộng gió, bốn bề là đồng lúa và vườn thanh long đang mùa trĩu quả. GS Trần Văn Giàu không có con nên không làm lễ "tạ mả", nhưng vào dịp sinh nhật lần thứ 100 của ông đầu tháng 9 này, cũng trùng dịp lễ Quốc khánh, các cháu ông và chính quyền địa phương sẽ tổ chức mừng sinh nhật ông và khánh thành khu mộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Linh hồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.