Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển của kinh tế tư nhân với những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh.
Kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ cất cánh, trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận những kiến nghị, kỳ vọng của các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần thay đổi nhận thức
Doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đang phải đối mặt với rào cản hành chính, thủ tục phức tạp, chi phí không chính thức cao. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ giúp cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Nghị quyết mới không chỉ giúp phát huy vai trò của kinh tế tư nhân mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân là vấn đề không đơn giản nhưng phải làm để tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước. Chúng tôi rất tán thành với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là phải thay đổi được trong tư duy, nhận thức thì mới thay đổi được trong cách ứng xử và hành động đối với khu vực kinh tế quan trọng này.
Cần khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, nhất là cho tăng trưởng. Đây chính là tư duy quan trọng nhất. Cần thay đổi nhận thức từ “kinh tế tư nhân là bổ trợ” thành “kinh tế tư nhân là trụ cột” của nền kinh tế.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong: Kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mở rộng về quy mô, phạm vi lan tỏa
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đáp ứng trúng yêu cầu của đất nước, đồng thời tạo ra một sự cộng hưởng rất mạnh mẽ về mặt tinh thần cho xã hội.
Khu vực này hiện đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội, trên 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách Nhà nước và đặc biệt là trên 80% tổng số lao động trong nền kinh tế. Rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân mới chỉ hơn 30 năm phát triển, so với mấy trăm năm của các nước phát triển khác là khoảng thời gian quá ngắn, nhưng đã tạo được một vị thế rất mạnh.
Nếu chúng ta thực hiện tốt chủ trương, chắc chắn một thể chế mới, hệ sinh thái mới sẽ thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp khai thác, phát huy tốt nhất năng lực của mình và cộng hưởng lại để tạo ra sức mạnh của một cộng đồng kinh tế tư nhân Việt Nam.
Nói cách khác, trong tương lai, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mở rộng về quy mô, phạm vi lan tỏa; đồng thời được củng cố về sức mạnh cũng như nâng cao sức cạnh tranh. Hiệu quả cũng sẽ cao hơn và đặc biệt sẽ hình thành hai khu vực: Một là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn với những doanh nghiệp mang tầm khu vực và toàn cầu đủ sức dẫn dắt các thành phần và các doanh nghiệp khác. Hai là mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết hợp lại tạo ra một cơ cấu nền kinh tế hai tầng cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế FDI sẽ tạo một sự vững mạnh, một trục xương sống để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ VSD Việt Nam Nguyễn Quang Tuấn: Kỳ vọng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch
Doanh nghiệp rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước dành cho kinh tế tư nhân sự quan tâm, khuyến khích đặc biệt. Chính phủ đã liên tục có chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên chúng tôi rất cần những chính sách sát với doanh nghiệp, cụ thể là những chính sách về thuế, vốn… Hiện, các chính sách còn dàn trải, chưa đủ đột phá.
Chúng tôi mong việc coi trọng kinh tế tư nhân được cụ thể hóa thành hành động, thành chính sách hỗ trợ, phục vụ khối kinh tế tư nhân một cách nhiệt thành, nhanh chóng. Chỉ khi có sự thay đổi về tư duy, chúng ta mới thay đổi được hành động để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh hơn nữa.
Trong kỷ nguyên mới, muốn đáp ứng được kỳ vọng về tăng trưởng hai con số, ngoài nhóm những giải pháp tăng trưởng thì điều đầu tiên các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân mong muốn là phải có các quyết sách đột phá, chưa từng có để khu vực tư nhân phát triển.
Ở đó, môi trường kinh doanh được bảo đảm bình đẳng, minh bạch và hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp tư nhân cần được tin tưởng trao nhiệm vụ. Doanh nghiệp lớn làm nhiệm vụ lớn, doanh nghiệp nhỏ làm nhiệm vụ nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.