(HNM) - Từ đầu năm đến nay, những chính sách vĩ mô về kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn một số mặt tồn tại làm ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia, mục tiêu hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 20%, dư nợ phi sản xuất giảm xuống 16% là cần thiết. Song, làm thế nào để hạ lãi suất và từ nay đến cuối năm nên "thắt chặt" tiền tệ ở mức độ nào là những vấn đề cần được quan tâm, xem xét và thực hiện để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt hiệu quả.
Hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Linh Tâm |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát còn xuất phát từ sự thiếu hụt thanh khoản của ngân hàng (NH), lãi suất tăng cao làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN sản xuất, vì có thời điểm lãi suất thị trường liên NH lên khá cao, đến 23-25%. Việc "thắt chặt" tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã khiến một số NHTM cổ phần gặp khó khăn trong thanh khoản, nên các NH này đua nhau huy động vốn, làm cho một số NH nhà nước cũng "lách" trần, đẩy lãi suất lên cao. Đại diện một NHTM CP lớn của Nhà nước đã chia sẻ, việc giảm lãi suất kể cả huy động lẫn cho vay trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thắt chặt và lạm phát vẫn cao là vấn đề không dễ. NH Nhà nước cần chủ động, linh hoạt trong việc bơm và hút tiền, đặc biệt là việc sử dụng có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ. Khi lãi suất thị trường liên NH giảm, NH Nhà nước cần điều chỉnh lãi suất trên thị trường này và thị trường mở để các NHTM khác cũng như nền kinh tế biết tín hiệu để hành động kịp thời.
Cùng quan điểm này, đại diện một số tổ chức tín dụng khác khẳng định, trong những tháng đầu năm nay, chi phí vay vốn đã lên rất cao, cung tiền tăng thấp. Tổng mức bán lẻ tăng trưởng sau khi loại trừ mức lạm phát đã về gần "mo". Sức cầu yếu đi đã rõ, nhưng lạm phát vẫn cao (lạm phát cả nước tháng 7 tăng 1,17% so với tháng trước, lạm phát tháng 8 tuy có "hạ nhiệt" so với tháng trước, nhưng cũng cao so với cùng kỳ tới hơn 23%). Nếu tiếp tục "thắt chặt" tiền tệ có lẽ cái giá phải trả sẽ cao hơn cái được rất nhiều. Như vậy, chính sách tiền tệ phải "thắt" thế nào cho thật sự có lợi đối với nền kinh tế. Có lẽ, vào thời điểm này chưa nên nâng dự trữ bắt buộc với VND, mà nên tăng đối với USD để điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng. Đại diện NH Nhà nước cũng thừa nhận, chính sách trần lãi suất chỉ là biện pháp hành chính, không thể giải quyết được "gốc" của vấn đề, lại tốn kém chi phí cho quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Như vậy, có nên dỡ bỏ trần lãi suất? Để hạ lãi suất, cần giải quyết những vấn đề chưa hợp lý. Thứ nhất, quản trị điều hành yếu kém ở một số NHTM, nhất là quản trị rủi ro tín dụng, quản trị thanh khoản. Thứ hai, điều hành trên thị trường liên NH chưa khơi thông có hiệu quả các luồng vốn và sự thắt chặt chưa hợp lý của chính sách tiền tệ.
Do đó, cùng với các chính sách "thắt chặt" tiền tệ, kiểm soát nhập siêu, quản lý ngoại hối... các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét và có biện pháp điều chỉnh lại cơ cấu thị trường, nhất là thị trường lương thực, thực phẩm, vì đây là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát. Bởi chênh lệch giá mua và giá bán lẻ càng lớn thì càng cho thấy cơ cấu thị trường kém hiệu quả. Tính đến nay, giá thịt lợn bán lẻ ở Hà Nội đã tăng hơn 80%, mặc dù giá thu mua có lúc giảm. Điều này đã góp phần không nhỏ gây ra lạm phát mạnh ở nước ta.
Thực tế trên cho thấy, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đạt hiệu quả, ngành chức năng cần linh hoạt trong "thắt chặt" tiền tệ để dòng vốn"chảy" vào đúng địa chỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.