(HNM) - Tại Hội nghị sơ kết thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội, chủ đề bóng đá học đường nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các ý kiến đã khẳng định tầm quan trọng khi nhấn mạnh cần có giải pháp linh hoạt để phát triển bền vững bóng đá học đường.
Lợi cả đôi đường
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ ban hành vào năm 2013, coi xây dựng, triển khai dự án phát triển bóng đá học đường là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá phong trào nói riêng. Theo ông Đoàn Minh Xương, Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) TP Hồ Chí Minh, phát triển bóng đá học đường giúp học sinh tăng cường sức khỏe, hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tạo nguồn tuyển chọn tài năng bóng đá.
Phát triển bóng đá học đường giúp học sinh tăng cường sức khỏe. Ảnh: Anh Tuấn |
Từ năm 2013, LĐBĐ TP Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình Bóng đá học đường dành cho học sinh tiểu học giai đoạn 2013-2018, mục tiêu là đưa bóng đá từng bước trở thành môn thể thao ngoại khóa phổ biến trong trường học. “Để thực hiện chương trình, người của LĐBĐ TP Hồ Chí Minh xuống từng trường học khảo sát và đặt vấn đề phát triển bóng đá trong giờ thể dục ngoại khóa với ban giám hiệu. Nếu nhà trường đồng ý, LĐBĐ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thiết bị, dụng cụ cần thiết và có chương trình đào tạo chuyên môn cơ bản cho giáo viên thể dục”, ông Đoàn Minh Xương chia sẻ.
Sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, như Giáo dục, Thể thao… đã giúp bóng đá học đường ở TP Hồ Chí Minh phát triển. Trong năm học 2013-2014, có 41 trường với 1.500 học sinh (1.103 nam, 397 nữ) tham gia chương trình; đến năm học 2016-2017 đã có 156 trường tiểu học với 343 lớp thực hiện giảng dạy môn bóng đá cho 8.840 học sinh (7.273 nam, 1.567 nữ). Trong năm học đầu tiên, do còn ít trường tham gia nên Ban Tổ chức chương trình chỉ tổ chức festival bóng đá học đường của cả năm học. Trong 3 năm học gần đây, những người có trách nhiệm đã tổ chức thêm festival bóng đá học đường học kỳ I - được xem như vòng loại, và festival cả năm học - vòng chung kết.
Ông Đoàn Minh Xương khẳng định, qua hơn 4 năm thực hiện, mọi chi phí cho các hoạt động trong khuôn khổ chương trình đều được lấy từ nguồn xã hội hóa, trong đó có khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Tạo điều kiện để mọi người được chơi bóng đá
Tại hội nghị, một số ý kiến đề cập đến khó khăn trong việc phát triển bóng đá học đường. LĐBĐ TP Hồ Chí Minh, dù thực hiện khá tốt phần việc này nhưng vẫn đối diện và tìm cách tháo gỡ hàng loạt khó khăn liên quan điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi và trang thiết bị của các nhà trường, nhất là khi đa số trường học phải tổ chức giảng dạy trên sân đất hoặc xi măng. Ngoài ra, do số lượng giáo viên dạy thể dục của các trường rất ít, nên việc mở rộng chương trình gặp khó khăn, dù nhiều học sinh có nhu cầu.
Một nguyên nhân khác là nhận thức về vai trò của bóng đá trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân còn hạn chế. Nhiều ngành, địa phương chưa có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá, chưa tạo được sự đồng thuận về nhận thức cũng như phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức.
Theo chuyên gia A.Krystad (Na Uy), đang làm việc cho Dự án Bóng đá cộng đồng Việt Nam, khó khăn về sân bãi là điều có thể được giải quyết. Nếu trường học không có sân vận động thì có thể làm sân bóng 5 người, nếu thiếu nữa thì tổ chức sân bóng 3 người. Ý kiến của chuyên gia A.Krystad khiến người ta nhớ đến câu chuyện bóng rổ đang phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn của Việt Nam. Như tại Hà Nội, nhiều trường thiếu sân bóng đã gắn bảng rổ vào thân cây hoặc vào tường để giúp học sinh chơi bóng. Nhờ những giải pháp đơn giản, hiệu quả đó mà môn bóng rổ nay đã có chỗ đứng vững chắc tại nhiều trường học ở Hà Nội, số đội dự các giải đấu dành cho học sinh tăng đều đặn sau từng năm.
Ghi nhận những ý kiến trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết linh hoạt vấn đề sân bãi bởi chỉ cần một khoảng sân nhỏ cũng có thể tổ chức chơi bóng đá. Thậm chí, các trường học có thể tính đến phương án tổ chức cho học sinh tập luyện ở các trung tâm bóng đá. Bên cạnh đó, không nên đòi hỏi quá cao ở đội ngũ giáo viên, chỉ cần họ đủ tâm huyết tạo điều kiện để các em vui chơi với trái bóng là đủ.
Với những quan điểm nêu trên có thể thấy, việc đưa bóng đá vào thể thao học đường không quá phức tạp và không quá xa vời, đặc biệt khi đã có nền tảng là sự đam mê bóng đá của người Việt Nam; sự phức tạp hay đơn giản tùy thuộc vào suy nghĩ của người có trách nhiệm. Chuyên gia A.Krystad chia sẻ: “Nguyên tắc của chúng tôi là tạo điều kiện và cơ hội cho tất cả mọi người được chơi bóng đá trong một môi trường lành mạnh, an toàn”.
“Chơi, vui, khỏe và phát triển nhân cách” là mục tiêu quan trọng nhất, bởi vậy, cần có quan niệm “thoáng” hơn và cách làm linh hoạt khi thực hiện mục tiêu phát triển bóng đá học đường trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.