(HNM) - Hoạt động giám sát, khảo sát của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay được tiến hành một cách linh hoạt và chủ động, để tăng tính hiệu quả. Trong đó, chú trọng những đối tượng thuộc diện bị tác động trực tiếp, kết hợp khảo sát tập thể và khảo sát cá nhân của các đại biểu.
Tăng cường đối thoại với cơ sở
Phó Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội Vũ Quang Chinh cho biết, thời gian qua, các ban và đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã lựa chọn một số vấn đề nổi cộm ở cơ sở, thu hút sự quan tâm của cử tri để thực hiện khảo sát. Đơn cử, mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã khảo sát một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ban Đô thị và Ban Kinh tế - Ngân sách kết hợp khảo sát về công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, quản lý bến thủy nội địa. Trong khi đó, một số đại biểu tổ HĐND thành phố các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ thực hiện khảo sát cá nhân về công tác giáo dục, đào tạo nghề...
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, địa điểm khảo sát không chỉ là những nơi do đối tượng khảo sát sắp xếp, mà còn là cả những địa bàn do đại biểu tìm hiểu trước đó và chỉ định. Hoạt động khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới đây là ví dụ.
Ngoài việc đến thị sát bến phà xã Vân Phúc theo kế hoạch của UBND huyện, Đoàn khảo sát Ban Đô thị và Ban Kinh tế - Ngân sách còn khảo sát một số bến, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng quy mô lớn, không được cấp phép tại các xã Xuân Đình, Sen Phương. “Việc này nhằm giúp đại biểu tăng đối thoại với cơ sở và chủ bến bãi, nắm bắt thêm thông tin, qua đó trao đổi, làm rõ các vấn đề quan tâm tại buổi làm việc với UBND huyện Phúc Thọ”, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ.
Ngoài ra, việc khảo sát cá nhân của các đại biểu cũng ngày càng chuyên nghiệp, được đánh giá cao vì đây cũng là một giải pháp tăng cường đối thoại với cơ sở. Trong đó, từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài tham gia các đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) còn thực hiện khảo sát trên mạng xã hội, hỏi trực tiếp cử tri nơi mình sinh sống. “Trước năm học 2020-2021, tôi thực hiện khảo sát với 192 cử tri về lĩnh vực giáo dục trên mạng xã hội, qua đó tổng hợp 10 kiến nghị các giải pháp về giáo dục và đào tạo với Thường trực HĐND, UBND thành phố”, bà Đỗ Thùy Dương cho hay.
Nhận xét về hoạt động giám sát, khảo sát của đại biểu HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho rằng, sự linh hoạt và chủ động đã giúp các đại biểu bám sát thực tế hơn, nắm bắt được nguyện vọng của cử tri.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, HĐND thành phố đã kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội những giải pháp để từng bước khắc phục bất cập trong các lĩnh vực: Nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, giao thông, lễ hội, văn hóa, y tế…
Đẩy mạnh các hoạt động khảo sát cá nhân
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga chia sẻ, để có cuộc giám sát, khảo sát chất lượng, bên cạnh thông tin chính thống của cơ quan, đơn vị được khảo sát, giám sát cung cấp thì thông tin khảo sát của cá nhân đại biểu rất quan trọng trong việc tăng tính phản biện. Do đó, đại biểu cần dành thời gian cho nội dung này nhiều hơn nữa, để nắm bắt kiến nghị của các cử tri thuộc diện bị tác động trực tiếp từ chính sách.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều đại biểu tổ HĐND thành phố các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng khẳng định, hoạt động khảo sát cá nhân cần được đẩy mạnh, để các đại biểu có cái nhìn chân thực, khách quan nhất về các vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn. Từ đó góp tiếng nói giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp xử lý những tồn tại trong quá trình quản lý, điều hành. Mặt khác, thông qua công tác khảo sát, đại biểu cũng nắm bắt bất cập trong việc ban hành và thực hiện chính sách để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải phát hiện những điểm chưa phù hợp, hạn chế trong các chính sách của Trung ương được áp dụng tại địa phương, những điểm còn hạn chế của nghị quyết HĐND thành phố ban hành khi triển khai thực hiện. Do vậy, để giám sát, khảo sát hiệu quả, cần chú trọng đến đối tượng thuộc diện bị tác động trực tiếp, từ đó thấy được bất cập, kiến nghị các biện pháp giải quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND và Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 16 cuộc giám sát, khảo sát; 4 ban thuộc HĐND thành phố tổ chức được 131 cuộc; các tổ đại biểu HĐND thành phố tổ chức được 64 cuộc tại địa bàn ứng cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.