(HNM) - Tổng thống Barack Obama đang có chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, nhằm tái cam kết với những đồng minh gần gũi của xứ Cờ hoa sau khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống.
Trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia Châu Âu đang thể hiện rõ sự quan ngại rằng, Tổng thống đắc cử D.Trump sẽ hạ thấp tầm quan trọng chiến lược của khối đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống B.Obama được cho là sẽ “tận dụng” chuyến công du để khẳng định vị thế dẫn đầu của Mỹ sẽ vẫn được duy trì dưới chính quyền mới.
Tổng thống B.Obama đến Berlin (Đức) tối 16-11. |
Tại mỗi điểm dừng chân, Tổng thống B.Obama trao đổi với các nhà lãnh đạo về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tất cả đều hoài nghi về chính sách mới của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ Tổng thống mới. Do đó, tại Hy Lạp và Đức, người đứng đầu Nhà Trắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một Châu Âu thống nhất. Vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ khẳng định, dù ông D.Trump có nhiều phát ngôn liên quan tới NATO khi tranh cử, song Tổng thống vừa đắc cử vẫn sẽ duy trì chính sách đối ngoại ổn định với những đồng minh chiến lược. NATO là trụ cột có ý nghĩa quan trọng với các lợi ích của Washington, và một EU đoàn kết, mạnh mẽ sẽ mang lợi ích cho nước Mỹ.
Các nhà phân tích đánh giá, chuyến thăm của Tổng thống B.Obama tới Hy Lạp là cơ hội để khẳng định lại các cam kết của Mỹ với các hiệp ước an ninh xuyên Đại Tây Dương và thắt chặt thêm quan hệ Mỹ - Hy Lạp. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras từng hy vọng chuyến thăm của ông B.Obama sẽ mở đường cho một thỏa thuận nợ với các chủ nợ, nhưng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm cho điều này khó xảy ra. Bởi lẽ, Tổng thống đắc cử D.Trump đề cập rất ít đến Châu Âu, ngoại trừ vấn đề nợ của Hy Lạp. Quan điểm của ông Trump là, hãy để Đức và Hy Lạp tự thu xếp vấn đề này với nhau. Và đó không phải chuyện của nước Mỹ...
Trong khi đó, chuyến thăm Đức cũng là cơ hội để hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, EU và Mỹ phải ký TTIP, khẳng định thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện điều kiện sống, trong đó cả giới chủ và nhân công, người tiêu dùng và nông dân hai lục địa đều được hưởng lợi. Quan điểm này được nhắc lại khi Tổng thống đắc cử D.Trump từng tuyên bố sẽ xem xét lại một loạt thỏa thuận tự do thương mại và tăng cường chính sách bảo hộ với nền kinh tế Mỹ.
Theo kế hoạch, hôm nay (ngày 18-11) tại Berlin, Tổng thống B.Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước chủ chốt Châu Âu gồm: Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chuyến công du một tuần của Tổng thống B.Obama kết thúc ở Peru, nơi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Một chuyên gia phân tích cho rằng, giữa lúc Châu Âu đang bị sốc và thất vọng sau bầu cử Mỹ, chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng giống như một liệu pháp an ủi để các nhà lãnh đạo Châu Âu có thể tự trấn an rằng "nước Mỹ mà chúng tôi từng biết" sẽ không biến mất!
Sự hứng khởi và chiến thắng của ông D.Trump với đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống toàn cầu hóa đang khiến nhiều lãnh đạo Châu Âu quan ngại. Cùng với đó, biến động đang diễn ra trên chính trường Mỹ và thế giới khiến chuyến thăm của Tổng thống B.Obama đáng chú ý hơn. Trong các cuộc gặp, Tổng thống sắp mãn nhiệm đều cho rằng người kế nhiệm "rất quan tâm đến việc duy trì quan hệ chiến lược cốt lõi" trong đó có quan hệ sức mạnh Mỹ - NATO. Dường như đây là những gì tốt đẹp nhất về tương lai quan hệ Mỹ - Châu Âu mà Tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của Mỹ có thể hứa hẹn với người dân Cựu lục địa vào lúc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.