(HNM) - "Rút kinh nghiệm!" về sai phạm, là cụm từ thường được đưa ra trong nhiều buổi tổng kết, sau nhiều hội thảo, cũng như trong nhiều kết luận. Tuy nhiên, khi "kinh nghiệm" được lượng hóa bằng giá trị vật chất thì vấn đề không còn đơn giản nữa.
1. Ngày 23-1, trong một buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đòi bồi thường 200 tỷ đồng, hậu quả của việc chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân tới một năm rưỡi. Đây là chuyện hiếm xảy ra. Tuy nhiên, khi nhà thầu đã kiện, chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan không thể phớt lờ.
Dự án cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 13.600 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ giảm tải cho cầu Chương Dương, Thăng Long, rút ngắn quãng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô. Theo kế hoạch, tháng 10-2014, cây cầu này sẽ được đưa vào sử dụng. Song hiện các nhà thầu mới hoàn thành 60% khối lượng công việc. Nguyên nhân tiến độ ì ạch thì như đã đề cập ở trên...
2. Không chỉ dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, chưa có một thống kê đầy đủ nào về số dự án, nhất là dự án trọng điểm, bị chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng yếu kém, song có thể khẳng định, đây là tình trạng chung diễn ra trên cả nước, ở mọi lĩnh vực. Riêng về giao thông, trong Thông báo 387/TB-VPCP mới đây, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải Hoàng Trung Hải khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn của hầu hết dự án giao thông. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện đôn đốc thực hiện, nhưng một số dự án vẫn chưa bàn giao dứt điểm. Ở các lĩnh vực khác, như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công nghiệp, khu đô thị... nhiều nhà thầu cũng nhiều lần phải đôn đáo, chạy vạy khắp nơi bởi vướng mỗi... giải phóng mặt bằng.
3. Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng đất đai cho các mục đích phát triển đô thị, công nghiệp, giao thông... ngày càng tăng. Công tác thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng trong một thời gian dài thường xuyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính sách đền bù thiệt hại cũng như việc áp dụng chưa rõ ràng, nhất quán. Giải phóng mặt bằng không đúng thời hạn là một trong những rào cản dẫn đến tình trạng tràn lan dự án chậm tiến độ, chi phí đầu tư tăng gấp nhiều lần, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi có dự án triển khai nói riêng, của đất nước nói chung. Tuy nhiên, khi nguyên nhân này vẫn được đưa ra trong nhiều buổi tổng kết, sau nhiều hội thảo, cũng như trong nhiều kết luận chỉ để "rút kinh nghiệm" thì e rằng vấn nạn vẫn tái diễn.
Rốt cuộc, "ta" có phải đền bù nhà thầu Tokyu 200 tỷ đồng hay không còn chưa ngã ngũ, song rõ ràng một điều, nhà thầu có lý của họ. Để thi công, nhà thầu đã phải huy động một lượng lớn vốn, máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực. Dự án càng chậm, thiệt hại càng lớn... Cung cách làm ăn nhôi nhai với cách nói đơn giản "rút kinh nghiệm!" không còn dễ được chấp nhận, đặc biệt khi con số khổng lồ này được quy về cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm! Đây cũng là lời cảnh báo đối với hàng loạt dự án đang được triển khai song có nguy cơ chậm tiến độ do không giải quyết thấu đáo khâu giải phóng mặt bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.