(HNMO) – Sự cố mất tiếng đột ngốt trên sân khấu liên tiếp xảy ra trong đêm chung kết Sao mai 2011 khu vực miền Nam diễn ra vào tối 31/7 khiến cho đêm thi bị rời rạc...
3 thí sinh đứng đầu về điểm số ở 3 dòng nhạc khu vực miền Nam. Từ trái qua phải: Phạm Khánh Ngọc (Thính phòng), Bùi Ca Roon (Nhạc nhẹ), Dương Thị Tú (Dân gian) |
* Sự cố không lời giải thích
Vòng chung kết khu vực miền Nam giải Sao mai 2011 diễn ra muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến (phải 21h15 mới bắt đầu) do chương trình Đồ rê mí kết thúc muộn. Điều này phần nào khiến cho đêm thi khu vực càng trở nên nặng nề hơn bởi sự muộn màng. Sự mệt mỏi của người xem trực tiếp tại sân khấu cũng như trên truyền hình càng tăng lên khi liên tiếp các sự cố về kỹ thuật âm thanh.
Ngay ở phần thi của thí sinh thứ 2 dòng nhạc Thính phòng Võ Nguyễn Thành Tâm (SBD 322) trình diễn được một nửa ca khúc “Sapa thành phố trong sương” (Vĩnh Cát), đột nhiên phần âm thanh bị mất. Sân khấu đêm chung kết chìm vào lặng thinh khiến Võ Thành Tâm từ ngơ ngác đến lúng túng trên sân khấu. Vận đen vẫn chưa buông thí sinh này khi lần thứ 2 biểu diễn lại, tiếng từ micro và ban nhạc vẫn bị tắc tịt. Võ Nguyễn Thành Tâm phải trở ra trở vào sân khấu đến 3 lần thì mới hòan thành xong bài thi của mình. Chắc chắn, lỗi kỹ thuật này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của Thành Tâm.
Thí sinh Võ Nguyễn Thành Tâm phải hát đi hát lại 3 lần do sự cố kỹ thuật rất khó hiểu |
Việc bị mất tiếng xuất phát từ lỗi kỹ thuật về âm thanh tiếp tục tiếp diễn trong suốt quá trình diễn ra đêm chung kết, ngay cả khi các MC đang dẫn chương trình. Gần cuối đêm thi, thí sinh Bùi Ca Roon (SBD 301) đang biểu diễn gần hết bài hát thì sự cố về kỹ thuật âm thanh này lại tái diễn, khiến cho anh chàng chưng hửng buộc phải vào trong cánh gà để tham gia vào phần “giết thời gian” cùng các MC.
Có thể nói, trong 3 đêm thi chung kết khu vực đêm thi ở vòng chung kết miền Nam khiến các MC vất vả nhất vì phải vận dụng mọi khả năng để lấp chỗ trống cho những khoảng thời gian chết. Thế nên, mới có chuyện hơn 23h, khi sự mệt mỏi và chán nản hiện lên rõ gương mặt của những khán giả ngồi xem trực tiếp nhưng vẫn phải nghe MC phỏng vấn người nhà thí sinh một cách nhạt nhẽo. Và cũng vì sự cố chưa từng thấy trong các cuộc thi âm nhạc được tường thuật trực tiếp tiếp này mà đã nửa đêm (23h30), các thí sinh ngồi trong cánh gà dù ruột gan nóng như lửa đốt nhưng vẫn phải lần lượt phát biểu cảm tưởng và cùng MC hát “Nối vòng tay lớn”, “Bốn phương trời”… như thể đang tham gia một cuộc văn nghệ của sinh viên.
Hai MC Hồng Phúc và Bích Ngân phải làm việc vất vả để lấp chỗ trống cho chương trình |
Thời gian chết của đêm diễn quá nhiều, vì thế quay phim của nhà đài cũng cho khán giả truyền hình được thấy nhiều hơn hình ảnh khán giả ngồi phía dưới hội trường. Không khó nhận ra những cái lắc đầu ngao ngán, những cái nhăn mặt khó chịu của khán giả ngồi xem trực tiếp vì phải chờ đợi nhà đài sửa kỹ thuật. Bên cạnh những lỗi lỹ thuật không thể chấp nhận này thì người nghe cũng dễ dàng nhận thấy, phần âm thanh của sân khấu đêm chung kết khu vực miền Nam không tốt. Ngay ở phần thi của thí sinh đầu tiên Nguyễn Đại Thành (SBD 309), âm thanh đã bị rè và nghe không rõ.
Một cuộc thi về giọng hát thì yếu tố âm thanh là tối quan trọng. Vì thế sự cố để mất tiếng toàn diện trên sân khấu quả là khó chấp nhận. Trước lỗi kỹ thuật khó hiểu này, thay vì đưa ra những lời xin lỗi và giải thích kịp thời để trấn an khán giả và thí sinh thì các MC của chương trình lại khiến người xem khó chịu hơn vì chỉ biết chống chế bằng câu “cám ơn vì khán giả đã ủng hộ cho các thí sinh”. Mãi đến gần cuối đêm thi, thì nam MC mới có được một lời xin lỗi rất ngắn. Dù có thể sau này, BTC sẽ có lời giải thích về sự cố này, nhưng với khán giả truyền hình thì điều này minh chứng cho sự làm việc thiếu cẩn trọng và tắc trách của BTC cuộc thi.
* Phía Nam: Dương thịnh, âm suy
Đây là điều dễ nhận thấy ở vòng chung kết sao mai khu vực miền Nam. Trong số 15 thí sinh dự thi thì chỉ có 4 thi sinh là nữ, nhiều nhất là ở dòng Dân gian (3 người). Dòng nhạc nhẹ, sở trường của các ca sĩ miền Nam, cũng chỉ có phái mạnh dự thi. Sự mất cân đối này phần nào khiến cho đêm thi chung kết khu vực miền Nam thiếu màu sắc và sự hấp dẫn.
Cuộc thi diễn ra vào giờ khá muộn (21h15), lại thêm sự cố về âm thanh với nhiều thời gian bị chết khiến chương trình kéo dài lê thê sang rạng sáng ngày hôm sau làm cho không khí của đêm chung kết khu vực cũng rơi vào tình trạng buồn ngủ, nhàm chán và không để lại nhiều ấn tượng.
Dương Thị Tú vui sướng khi là người được khán giả bình chọn nhiều nhất |
Điều ghi nhận ở các thí sinh hát dòng thính phòng và dân gian là chọn bài hát ít bị trùng với các thí sinh hai khu vực miền Bắc và Trung. Riêng dòng nhạc Nhẹ, việc lựa chọn ca khúc của các thí sinh vẫn mang lối tư duy cũ. Phần lớn đó là những bài đã quá quen thuộc với khán giả hoặc đã từng được hát nhiều ở các cuộc thi.
Cuối cùng, BTC cũng chọn ra 3 gương mặt xuất sắc nhất ở khu vực miền Nam và đưa ra kết quả 27 thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào trung tuần tháng 8 tới. Theo đó, thí sinh được bình chọn nhiều nhất ở vòng chung kết miền Nam là Dương Thị Tú (SBD 305), nhờ đó cô cũng là người có số điểm cao nhất ở dòng Dân gian. Thí sinh có số điểm cao nhất dòng Thính phòng là Phạm Khánh Ngọc (SBD 318); Bùi Ca Roon (SBD 301) là người có số điểm cao nhất dòng nhạc Nhẹ.
Danh sách 27 thí sinh vào vòng chung kết Tòan quốc
1 Nguyễn Khánh Ly (SBD 105) – Bắc Giang 2. Vũ Thắng Lợi (SBD 221) – Quảng Ngãi 3. Phạm Khánh Ngọc (SBD 318) – TP Hồ Chí Minh 4. Đào Thị Tố Loan (SBD 115) – Hà Nội 5. Đào Văn Mác (SBD 176) – Hà Nội 6. Nguyễn Hiền Hương (SBD 162) – Hải Phòng 7. Nguyễn Duy Quyết (SBD 205) – Hà Tĩnh 8. Ngô Văn Đức (SBD 163) – Thái Bình 9. Hoàng Viết Danh (SBD 218) – Quảng Bình. Dòng Dân gian: 10. Lương Nguyệt Anh (SBD 152) – Bắc Giang 11. Nguyễn Thị Phương Thanh (SBD 213) – Thanh Hóa 12. Dương Thị Tú (SBD 305) – TP Hồ Chí Minh 13. Nguyễn Thị Bích Hồng (SBD 108) – Hà Nội 14. Vũ Minh Vương (SBD 104) – Thái Bình 15. Nguyễn Văn Thế (SBD 319) – TP Hồ Chí Minh 16. Trần Thị Thanh Hoa (SBD 154) – Thanh Hóa 17. Trần Thị Huyền Trang (SBD 321) – Nghệ An 18. Vũ Thị Ngân (SBD 125) – Tuyên Quang Dòng nhạc nhẹ 19. Lê Việt Anh (SBD 111) – Hà Nội 20. Đỗ Thị Lam (SBD 220) – Thanh Hóa 21. Bùi Ca Roon (SBD 201) – TP Hồ Chí Minh 22. Nguyễn Huy Quyết (SBD 153) – Hải Phòng 23. Thiều Bảo Trang (SBD 147) – Quảng Ninh 24. Hoàng Thị Quỳnh Trang (SBD 209) – Nghệ An 25. Nguyễn Trần Trung Quân (SBD 143)- Hà Nội 26. Đòan Thị Thúy Trang (SBD 102) – Hà Nội 27. Lê Huy Đạt (SBD 321) – TP Hồ Chí Minh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.