Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên tiếp xảy ra nhiều sự cố công trình XD: Chuẩn nào để theo?

Khánh Khoa| 11/02/2010 07:07

(HNM) - Một ngôi nhà 2 tầng (1 trệt 1 lầu) nằm kề bên công trình xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn lớn ở trung tâm TP Hồ Chí Minh bất ngờ sập đổ, kéo theo rạn nứt, hư hỏng nặng 8 căn nhà kế tiếp. Rất may, ngôi nhà này được chính đơn vị thi công thuê làm nơi để xe, không có dân ở, sự cố lại xảy ra vào đêm nên không có thương vong về người.


Quy định thiếu hệ thống

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nền địa chất phức tạp, việc thi công công trình lớn đã ảnh hưởng đến nền móng các công trình kế bên. Đây không phải là lần đầu tiên sự cố công trình với nguyên nhân nền móng như trên xảy ra. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trụ sở Sở Ngoại vụ sập đổ do thi công cao ốc Pacific; chung cư 5 tầng Cosaco (Nguyễn Siêu, quận 1) lún nghiêng do thi công khách sạn Sài Gòn Residence. Tại Hà Nội, các sự cố nền móng tuy không lớn nhưng cũng khó khắc phục như vụ khách sạn Trần Hưng Đạo (đường Lê Duẩn), đường hầm Ngã Tư Sở.

Theo PGS-TS Đoàn Thế Tường, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, việc thi công trong khu vực có mật độ công trình cao; giữa các công trình không có khoảng thông thoáng do quỹ đất được tận dụng tối đa thì việc ảnh hưởng đến các công trình liền kề là điều khó tránh ở các đô thị lớn. Vì vậy, bảo đảm chất lượng công trình xây chen không chỉ cho bản thân công trình đang xây mà còn phải quan tâm đặc biệt đến độ ổn định của công trình liền kề. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp kỹ thuật đã được quy định, những biện pháp đặc thù cần được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu dự án như khảo sát hiện trạng công trình, môi trường lân cận, thiết kế - thẩm tra thiết kế, quan trắc địa chất... lại không được quan tâm đầy đủ. Những năm qua, số lượng công trình xây chen tăng đột biến; không chỉ theo chiều cao mà còn theo chiều sâu. Từ đó, các sự cố nền móng công trình phát sinh liên quan trực tiếp đến các khiếm khuyết trong khâu kiểm định chất lượng cũng nhiều hơn, thiệt hại lớn hơn về quy mô, phức tạp hơn, tốn kém hơn về giải pháp khắc phục.

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Bá Kế, Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam cho rằng, về mặt quản lý, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy các dự án công trình ngầm có độ sâu hơn 5m bắt buộc phải qua cơ quan quản lý nhà nước thẩm định. Nếu đạt yêu cầu về an toàn thi công mới được phép triển khai xây dựng. Mục đích của quy định này là để giảm thiểu rủi ro cho công trình và bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Song có lẽ ở ta chưa quy định chặt chẽ vấn đề này và sẵn sàng chuyển sang "chủ đầu tư chịu mọi trách nhiệm".

Chủ tịch Tổng hội XD Việt Nam Trần Ngọc Hùng đặt vấn đề, thời gian qua số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều song không ít doanh nghiệp không đạt điều kiện năng lực thiết kế, thi công mà không có biện pháp kiểm soát. Nhiều công trình do doanh nghiệp không đủ năng lực đảm nhận nên chất lượng khảo sát, thiết kế không đạt yêu cầu, biện pháp thi công không phù hợp, dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Nhà thầu phải được chọn qua cạnh tranh

Từ thực tế cũng như nguyên nhân xảy ra sự cố sụt lún công trình, PGS-TS Nguyễn Bá Kế đề nghị nên quy định nhà thầu thi công công trình ngầm phải là nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm được chọn qua cạnh tranh. Chủ tịch Tổng hội XD Việt Nam Trần Ngọc Hùng đề nghị, trong bối cảnh thị trường xây dựng mới phát triển, chưa định hình các doanh nghiệp có thương hiệu cần áp dụng phương pháp tiền kiểm - cấp chứng chỉ hành nghề cho doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, cần tăng phí khảo sát, thiết kế và trách nhiệm trong khâu khảo sát thiết kế ở tất cả các giai đoạn; đồng thời thu hồi hoặc cấm hành nghề đối với đơn vị vi phạm, để xảy ra sự cố.

Theo PGS-TS Đoàn Thế Tường, việc điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng công trình hiện hữu liền kề với công trình đang thi công phải được thực thi trong quá trình lập dự án và được xem như số liệu cơ sở xác định tính khả thi của dự án, vì thực tế ở công trình xảy ra sự cố khâu này thường bị bỏ qua. Cũng theo PGS-TS Đoàn Thế Tường, trong thiết kế, cần chọn biện pháp thi công ít tác động nhất tới công trình và môi trường xung quanh. Các công trình liền kề thường chịu tác động mạnh ngay giai đoạn thi công đầu tiên, song hầu hết thiết kế thi công đều thiếu thuyết minh chọn lựa giải pháp và đánh giá, cảnh báo tác động tới công trình xung quanh. Ngoài ra, khi có sự cố phải xác định và thực thi ngay các biện pháp giảm thiểu sự cố bằng các mệnh lệnh hành chính, tuyệt đối tránh làm sự cố phát triển mạnh hơn, nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp xảy ra nhiều sự cố công trình XD: Chuẩn nào để theo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.