Hà Nội kết nối

Liên tiếp xảy ra ngập úng, sạt lở sau mưa lớn tại Đà Lạt

Đăng Viên 29/06/2023 - 11:39

Mấy ngày trước, mưa lớn khiến nhiều tuyến phố Đà Lạt ngập 30 phút. Sáng sớm nay, mưa lớn làm sạt lở ta luy gây sập nhà, làm ít nhất 2 người thiệt mạng.

a521.jpg
Hiện trường vụ sạt lở ta luy âm sáng sớm 29-6 tại phường 10, thành phố Đà Lạt, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

3h sáng ngày 29-6, bờ ta luy âm của một công trình xây dựng tại đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị sạt lở sau mưa lớn. Tảng bê tông lớn và đất sườn đồi dài 30m sạt xuống thung lũng, xô nghiêng một biệt thự 3 tầng, rộng 400m2 và 2 căn nhà khác.

Nghiêm trọng hơn, đất đá lấp kín 1 lán trại công nhân đang ngủ. Có ít nhất 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương, hiện đang cấp cứu trong bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu xác định, do mưa lớn kéo dài 3 giờ đồng hồ đêm 28-6, khiến nền đất nhiều khu vực sườn đồi yếu, dẫn đến sạt lở.

a522.jpg
Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương khắc phục sự cố.

Cơn mưa lớn đêm 28-6 cũng khiến 10 điểm sạt lở xuất hiện trên địa bàn phường 3 thành phố Đà Lạt. Trong đó có ít nhất 3 điểm sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhà dân. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 3 người trong một căn nhà sập và sơ tán người ra khỏi những ngôi nhà đã rỗng chân, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Tại phường 3, những con đường quanh co ven sườn đồi như đường Đống Đa, đường Bình An… xảy ra nhiều vụ sạt lở, gây sập nhà dân.

Trước đó, cơn mưa lớn chiều 23-6 cũng khiến nhiều tuyến phố ở Đà Lạt ngập sâu, gây mất an toàn giao thông, làm ảnh hưởng tới tài sản, đời sống của nhân dân. 

a387.jpg
Cơn mưa lớn chiều 23-6 khiến nhiều tuyến phố, khu dân cư tại Đà Lạt bị ngập trong nước.

Ngày 28-6, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, khơi thông hệ thống mương thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn, đặc biệt là một số tuyến đường trung tâm thành phố. UBND thành phố Đà Lạt cũng đề nghị, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thành phố rà soát, yêu cầu các đơn vị đang thi công có giải pháp thi công phù hợp. Tuy nhiên, đến rạng sáng 29-6, đã xảy ra sự cố làm 2 người thiệt mạng.

Việc Đà Lạt, một thành phố cao 1.500m so với mặt nước biển với những con phố và dãy nhà nằm uốn lượn dưới sườn đồi, thung lũng, những đồi thông thường xuyên bị ngập sau mưa lớn thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải đó là hệ quả của việc phát triển đô thị quá “nóng”; hạ tầng đô thị không theo kịp tốc độ phát triển các công trình xây dựng, nên nhiều vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra?

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những nguyên nhân là do hệ thống thoát nước của thành phố chưa được chú trọng quy hoạch, bảo vệ và phát triển. Cùng với đó, tỷ lệ nhà kính trồng rau, hoa… tại thành phố tăng nhanh, che kín mặt đất khiến nước mưa không được thẩm thấu tự nhiên, dồn lại chảy tràn xuống thung lũng, gây sạt lở và gây ngập vùng thấp. Hiện, có tới 10.000m2 nhà kính trong tổng số 18.000m2 diện tích đất nông nghiệp của thành phố.

a523.jpg
10.000m2 nhà kính trong tổng số 18.000 diện tích đất canh tác nông nghiệp tại Đà Lạt khiến ở nhiều vùng, hệ số đất ngấm nước bằng 0.

“Nhiều hồ, sông, suối tiêu thoát nước tại Đà Lạt đã bị lấp trong quá trình đô thị hóa, nên giảm khả năng thoát nước. Cùng với đó, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khốc liệt, khiến mưa lớn dị thường liên tục xuất hiện. Nếu chúng ta không triển khai ngay công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và triển khai các công trình tiêu úng cơ bản, Đà Lạt vẫn sẽ đứng trước nguy cơ sạt lở, ngập úng thời gian tới”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Về phía chính quyền, UBND thành phố Đà Lạt cho biết, từ cuối năm 2022, thành phố đã triển khai nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy, giải tỏa tình trạng lấn chiếm hành lang gây cản trở dòng chảy của các suối trên địa bàn. Đồng thời, chính quyền thành phố xem xét điều chỉnh lại thiết kế, giải pháp thi công của cầu bắc ngang suối từ đường Hai Bà Trưng qua đường Phan Đình Phùng.

a525.jpg
Từ cuối năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt triển khai nạo vét nhiều sông, suối để tăng khả năng thoát nước cho thành phố. Ảnh: Văn Trọng.

Về lâu dài, thành phố sẽ tổ chức nạo vét hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Vạn Kiếp… nhằm giảm lượng nước đổ về phía hạ lưu gây ngập úng cục bộ, đồng thời, vận động người dân không xả rác xuống suối gây ảnh hưởng đến việc thoát nước, ô nhiễm môi trường dòng suối.

Ông Vũ Trung Chính, ngụ tại đường Bình An, phường 3, thành phố Đà Lạt, đề xuất: “Người Pháp quy hoạch Đà Lạt cho 20.000 dân. Nay, dân số thành phố đã là 200.000 người cộng với hàng trăm nghìn lượt du khách, trong khi hạ tầng đô thị chưa phát triển được bao nhiêu so với trước đây. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm triển khai những biện pháp cấp bách để Đà Lạt mãi là điểm đến bình yên, thư giãn của người dân cả nước và khách quốc tế”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp xảy ra ngập úng, sạt lở sau mưa lớn tại Đà Lạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.