(HNM) - Có một thực tế, sự thiếu liên kết trong nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay đã dẫn tới tình trạng: Nhiều NCKH đã được tỉnh này thực hiện, ứng dụng và có kết quả nhưng lại được triển khai ở các tỉnh, thành phố khác với những bước nghiên cứu từ đầu vừa lãng phí nhân lực khoa học, vừa gây lãng phí cho ngân sách của Nhà nước.
Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN Hà Nội đã đề xuất với Bộ KH&CN Chương trình đề tài, dự án NCKH và phát triển công nghệ liên tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).
Liên kết để tránh lãng phí
Hiện vùng ĐBSH có 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,3% diện tích đất, 23% dân số cả nước. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng 760 nghìn héc ta, phần lớn có giá trị cao về sản xuất nông nghiệp. Với bờ biển dài 400km, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế. Nguồn lao động của khu vực có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao, tạo ra thị trường có sức mua hàng hóa lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng những kết quả NCKH nổi bật vào phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và cả khu vực còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Hiện nay, phần đa các đề tài, dự án của các tỉnh, thành triển khai thực hiện độc lập, thiếu tính liên kết vùng, khiến cho nhiều NCKH đã được thực hiện, ứng dụng có kết quả ở một tỉnh này lại tiến hành triển khai ở các tỉnh khác với những bước nghiên cứu lặp lại. Mặc dù, xét về lợi ích đối với từng tỉnh, thành phố, thì các NCKH này đều đem lại hiệu quả cho từng địa phương. Nhưng nhìn rộng ra cả một vùng đã được Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020, thì việc thiếu sự liên kết trong NCKH sẽ dẫn đến lãng phí tài chính và nguồn nhân lực, hiệu quả đầu tư chung thấp.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các đơn vị NCKH thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH chưa cao, chủ yếu tập trung vào triển khai thực hiện các đề tài, dự án NCKH và phát triển công nghệ. Các hoạt động về tư vấn, chuyển giao, tiếp nhận và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn yếu. Bên cạnh những nét đặc thù khá gần gũi về điều kiện kinh tế, xã hội cũng như thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh vùng ĐBSH, trong đó có Hà Nội, cũng có những vướng mắc chung cần giải quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN.
Cần mô hình khép kín
Từ những yếu tố nói trên, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao cho rằng, việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án mang tính liên ngành, liên vùng sẽ tạo cơ hội để các đơn vị tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng một cách đồng bộ, có tầm bao quát lớn hơn, tạo tiền đề cho việc thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thời gian tới. Trước mắt, với chương trình liên vùng, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN sẽ được nâng cao, tiết kiệm, tránh được tình trạng lãng phí, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính cộng đồng, bức xúc, như: Môi trường, giao thông vận tải và ưu tiên phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để xây dựng chương trình, Sở KH&CN Hà Nội đề nghị Bộ KH&CN đưa ra các quy định về quản lý chương trình đề tài, dự án liên tỉnh. Trong đó quy định cụ thể về tiêu chí, danh mục các lĩnh vực nghiên cứu, nguồn kinh phí, trách nhiệm của các địa phương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch tham gia hằng năm.
Những lĩnh vực được đề xuất ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới sẽ bao gồm: Nông nghiệp, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây trồng chất lượng cao, nghiên cứu các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước tại các vùng đồi gò và xử lý ô nhiễm vùng nước tưới... Lĩnh vực môi trường nghiên cứu, xử lý ô nhiễm amoniac, asen trong nước ngầm, nước sinh hoạt, nghiên cứu chế tạo các vật liệu có khả năng xử lý nước tại chỗ nhằm ứng cứu cho các vùng ngập lụt, ô nhiễm nước ngầm; ứng dụng các công nghệ phù hợp giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề, cơ sở công nghiệp, công trình, bệnh viện.
Đề xuất giải pháp cho chương trình nói trên, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao chia sẻ: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng kết quả NCKH phục vụ nông nghiệp chủ yếu thông qua Trung tâm Khuyến công và khuyến nông của các tỉnh. Đối tượng hỗ trợ là những hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, nên rất khó triển khai các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, kéo theo khả năng cạnh tranh của sản phẩm rất thấp, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Do vậy rất cần xây dựng một mô hình mới của KH&CN với quy trình khép kín từ khâu nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, công ty trong vùng đóng vai trò là những người nông dân, công nhân trực tiếp sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sau đó đứng ra liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm để cung ứng các mặt hàng chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường… Giải pháp mang tính khả thi trên đã được Bộ KH&CN tiếp nhận để nghiên cứu, xem xét. Được biết, dự án NCKH và phát triển công nghệ liên tỉnh ĐBSH sẽ được các địa phương bàn thảo tại hội nghị KH&CN tổ chức trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.