(HNM) - Kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Lợi ích từ liên kết
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong những năm qua, số hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh. Nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng như: Hợp tác xã Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), Hợp tác xã Phước An (TP Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu (tỉnh Long An), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I cho biết, TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu mối đã có nhiều chương trình hoạt động nhằm kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, chất lượng cao với các tỉnh, thành phố tại phía Nam. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đến nay đã cấp 134 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho các cơ sở thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và 11 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu) với tổng sản lượng hơn 78.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hoạt động kết nối, sản xuất theo chuỗi đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tỉnh Long An hiện có diện tích trồng rau khoảng hơn 11.500ha, toàn tỉnh có 21 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau với khoảng 90ha đã được chứng nhận VietGAP. Trong hai năm 2016-2017, tỉnh này đã xây dựng được 3 chuỗi sản xuất rau an toàn của các hợp tác xã Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp và Phước Thịnh. Các cơ sở sản xuất thực phẩm tham gia chuỗi về cơ bản đều có sự gắn kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển, kinh doanh. Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, liên kết đã giúp các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên, đầu ra ổn định, lợi nhuận tăng. Cụ thể, sau khi cấp giấy xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi, Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp đã mở rộng liên kết thêm với 8 hộ trồng rau, đầu ra tăng lên 800kg/ngày, tăng thêm 20% lợi nhuận; Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa đã mở rộng liên kết chuỗi thêm 4,1ha, riêng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 đã bằng lợi nhuận của cả năm 2016; Hợp tác xã Tân Hiệp đã mở rộng liên kết chuỗi thêm 5,9ha rau, tăng thêm 10% lợi nhuận...
Để tham gia chuỗi sâu hơn...
Với thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ còn nhiều, mô hình hợp tác xã hiện được xem là ưu việt nhất trong tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, dù đạt nhiều kết quả tích cực, các hợp tác xã vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động kết nối. Theo ông Đào Văn Hồ, hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn hiện nay vẫn là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng thì nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. Hoạt động của các hợp tác xã vẫn đang có nhiều hạn chế như giá nông sản thấp, các hợp đồng bao tiêu sản phẩm có tính ràng buộc chưa cao, vẫn có hiện tượng phá vỡ cam kết gây thiệt hại cho phía đối tác…
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá ra thị trường, việc bố trí điểm bán rau an toàn ở chợ còn gặp khó khăn, địa điểm không thuận lợi. Vì vậy, phần lớn rau an toàn được tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, chủ yếu là các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn,... Tại các chợ truyền thống, giá bán giữa sản phẩm an toàn và không an toàn không có chênh lệch, giá bán sản phẩm an toàn chưa thật sự tương xứng với chi phí và công sức mà cơ sở đã đầu tư. Chưa kể, rau an toàn được kiểm soát theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP còn bị thương lái đánh đồng với rau không rõ nguồn gốc. Vì vậy, hợp tác xã cần được hỗ trợ nhiều hơn về các điểm giới thiệu, phân phối, tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn…
Còn ông Đào Văn Hồ cho rằng, bên cạnh việc tích cực, chủ động tham gia các chuỗi liên kết phân phối, các hợp tác xã cần chủ động nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, tiêu thụ. Chẳng hạn, cần xây dựng trang web riêng giới thiệu sản phẩm, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các hợp tác xã cũng cần chủ động hơn trong tham gia hệ thống thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả việc quảng bá, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nâng cao hoạt động liên kết, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.