(HNM) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tích cực định hướng cho hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể, thông qua các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giày dép da xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) được thành lập năm 2018, đây là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ hoạt động rất hiệu quả. Tổ hợp tác quy tụ 30 thành viên là hội viên phụ nữ, chuyên sản xuất, kinh doanh giày dép da. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Yên Bùi Thị Hằng cho hay: “Việc thành lập tổ hợp tác bước đầu đã khắc phục được phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp chị em phụ nữ thay đổi tư duy, cách làm theo xu thế thị trường, góp phần tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững”.
Khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giày dép da xã Phú Yên, chị Hắc Thị Hường được hỗ trợ vốn vay, kiến thức kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận thị trường. Chị Hắc Thị Hường chia sẻ: “Gia đình tôi đã ký kết được hợp đồng sản xuất với đối tác nước ngoài trị giá hàng tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu làng nghề”.
Cũng được hỗ trợ vốn vay, kiến thức, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đã triển khai, giúp đỡ nhiều hội viên là người dân tộc Mường phát triển kinh tế. Chị Kim Thị Đào, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Yên Bài cho biết, trước khi vào tổ hợp tác, hội viên phụ nữ xã chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, giá bán sữa không ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhưng kể từ khi tham gia tổ hợp tác, chị em được tập huấn, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa để có thêm kiến thức, kinh nghiệm… Nhờ đó, đàn bò phát triển tốt hơn, ít bệnh, cho sữa nhiều, chất lượng sữa tốt, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập.
Khi tham gia các mô hình kinh tế tập thể, sự đoàn kết, gắn bó được tăng cường, đời sống hội viên phụ nữ Thủ đô cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, một số mô hình về sản xuất nông nghiệp vẫn khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khắc phục hạn chế này, một số đơn vị do phụ nữ làm chủ đã có những cách làm hiệu quả. Đơn cử, Hợp tác xã Nông sản Long Biên (Hội Liên hiệp phụ nữ quận Long Biên) vừa thành lập cuối tháng 1-2022, với 7 thành viên đã tích cực kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho hội viên và các địa phương lân cận. Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Long Biên Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện nay, nhờ phát triển đúng hướng, hợp tác xã đã liên kết hỗ trợ tiêu thụ, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao tới nhiều người tiêu dùng Thủ đô...
Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vốn vay, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố còn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ liên kết... nhằm vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ làm chủ trực tiếp quản lý và điều hành. Ngoài giải quyết việc làm cho hơn 1.300 thành viên tham gia, mô hình này còn tạo việc làm cho gần 1.500 lao động ở vùng nông thôn với mức thu nhập ổn định.
“Nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, nhờ tham gia mô hình. Đây cũng là cơ sở để chị em phụ nữ nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời tạo việc làm và góp phần nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ.
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục vận động chị em chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ chị em tham gia xây dựng các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chuỗi nông sản an toàn; hỗ trợ thành lập thêm các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hiệu quả, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.