Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết để thoát hiểm

Hồng Sơn| 15/03/2012 06:41

Hàng loạt khó khăn cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã gặp, đối phó cùng hệ lụy dưới ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế và những vấn đề nội tại của nền kinh tế đã được nêu rõ trong Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2011 với chủ đề


Các chuyên gia cho rằng, năm 2011, nền kinh tế gặp nhiều thách thức, rất khó đối phó từ nhiều phía và tốc độ tăng trưởng GDP đã chậm lại. Ít có giai đoạn nào DN chịu sức ép dồn dập như vậy nên "sức khỏe" liên tục giảm sút, bị đẩy vào hoàn cảnh bất lợi, gây ra một số hậu quả không nhỏ về KT-XH. Cụ thể, năm 2011, cả nước có 7.611 DN xin giải thể tạo ra bức tranh khá ảm đạm về đời sống sản xuất - kinh doanh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, gần 12.000 DN ngừng hoạt động, khoảng 31.500 DN dừng nộp thuế, những DN này rất có thể sẽ gia nhập đội ngũ buộc phải xin giải thể, phá sản trong tương lai gần.


Sản xuất thép công nghiệp tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam.  Ảnh: Huy Hùng

Báo cáo về môi trường kinh doanh mới nhất của Ngân hàng thế giới cho biết, Việt Nam giảm 8 bậc trong bảng xếp hạng, đứng thứ 98 trong số 193 nền kinh tế được khảo sát. Nhiều chỉ số thành phần của bảng điều tra, nhất là vấn đề liên quan đến việc đóng thuế của DN vẫn đáng quan ngại. Theo đó, số lần thực hiện nộp thuế của DN Việt Nam trung bình là 32 lần/năm so với 25 lần/năm của DN các nước Đông Á - Thái Bình Dương; thời gian DN dành cho việc nộp thuế lên tới 941giờ/năm, gấp 4 lần so với các nước trong khu vực. Điều đó cho thấy, quá trình cải cách hành chính nói chung đang diễn ra, nhưng vẫn chậm và chưa trở thành hậu thuẫn cho cộng đồng DN. Diễn biến về tỷ giá, lạm phát, việc khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vốn vay cao… cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến "chất lượng sống" của DN.

Về phía mình, các DN ngày càng bộc lộ rõ hơn những điểm yếu. Theo VCCI, 95% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, yếu kém về nhiều mặt, khả năng bứt phá rất thấp, thiếu kinh nghiệm ứng phó với bất lợi từ nhiều phía trong cùng một thời gian. Năng lực về lao động trong DN chưa có sự cải thiện rõ nét trong khi năng lực tài chính đang suy giảm biểu hiện qua chỉ số thanh toán giảm. Năng lực sinh lợi đang suy giảm, thể hiện rõ nhất qua thực tế mức độ lợi nhuận tính trên mỗi sản phẩm xuống mức thấp bởi DN phải chịu giá đầu vào cũng như các loại chi phí liên tục tăng cao. Hạn chế về công nghệ, kỹ năng quản lý, thương hiệu vẫn là những vấn đề phần lớn DN chưa khắc phục được...

Trong bộn bề khó khăn, VCCI và các đối tác đã gợi ý DN cần thực hiện liên kết càng sớm, càng chặt chẽ càng tốt. Liên kết có thể là mẫu số chung cho việc tìm kiếm giải pháp thoát hiểm với hầu hết DN. Khi liên kết qua nhiều hình thức trong quá trình sản xuất, phân phối sẽ là cơ hội để mỗi đơn vị giảm thiểu nguy cơ thiệt hại, đồng thời gia tăng cơ hội kinh doanh. Thực chất đây là sự chia sẻ một cách tự giác để DN có thể vận hành trong tình huống an toàn hơn trong bối cảnh khó dự báo, kiểm soát về sự thay đổi trên thị trường. DN thuộc những lĩnh vực tương đồng, hoặc sử dụng sản phẩm của nhau, nên đầu tư vào nhau; hoặc thỏa thuận cung cấp thông tin, kinh nghiệm, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí, hạ giá thành thành phẩm. Nhờ đó, có thể tiêu thụ sản phẩm và tồn tại qua chặng gian nan hiện nay.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị DN nhà nước và tư nhân nên "xích lại gần nhau", lồng ghép với một số hoạt động xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Mô hình liên kết công - tư cần được thực thi trong hoạt động du lịch, từ quảng bá, giới thiệu tiềm năng, vận chuyển, bảo hiểm và hướng dẫn khách để cùng đáp ứng nhu cầu của du khách theo hình thức khép kín. DN cần chủ động tái cơ cấu, qua đó kết hợp việc thêm, bớt loại hình kinh doanh hoặc sản phẩm, từ đó có thể chia sẻ công việc cho nhau theo hướng tập trung, chuyên sâu vào sản phẩm có thế mạnh...

Từ thực tế, VCCI đưa ra một số đề xuất với cơ quan quản lý nhằm góp phần hỗ trợ DN vượt khó. Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước; căn chỉnh hợp lý lộ trình tăng giá xăng dầu, điện và các chi phí đầu vào của sản xuất; tiếp tục xem xét cho giãn, giảm thuế; tạo cơ chế, quy định phù hợp để DN dễ tiếp cận nguồn vốn và vay vốn với lãi suất hợp lý…

Năm 2012 được đánh giá vẫn ẩn chứa nhiều bất lợi với những diễn biến khó lường và gánh nặng tiếp tục thử thách bản lĩnh DN, rất cần sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để thoát hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.