(HNMO) - Hiện, giá gia cầm đã tăng trở lại nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi chi phí đầu vào (đặc biệt là thức ăn chăn nuôi) tăng cao, trong khi sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, nên giá cả bấp bênh. Đổi mới tư duy sản xuất, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ chính là giải pháp để hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi, tìm đầu ra cho gia cầm, góp phần ổn định thị trường.
Ổn định sản xuất nhờ liên kết
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội trong những ngày qua cho thấy, giá một số loại gia cầm tăng trở lại. Cụ thể, gà mía có giá 65.000-70.000 đồng/kg, gà ta thả vườn 70.000-90.000 đồng/kg, vịt 40.000-50.000 đồng/kg… (tăng 10-15% so với tháng 2). Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá các loại thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, do đó các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Trong khi đó, những hộ chăn nuôi có sự liên kết chuỗi với doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định cả về sản lượng xuất chuồng và giá bán. Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) cho biết, gần đây, ngoài thị trường tự do, thương lái thu mua vịt giá 30.000-32.000 đồng/kg, nhưng trang trại của ông vẫn bán 50.000 đồng/kg do sản xuất theo hướng an toàn sinh học và liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) nên được bao tiêu sản phẩm.
Còn theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành, dịp sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, có lúc giá gà ta thả vườn ở các nơi giảm còn 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng các trang trại thành viên của Hội không những vẫn bán giá 90.000 đồng/kg mà còn được các siêu thị, doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn vì đã ký hợp đồng với đơn vị tiêu thụ, được bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, do chung nhau đặt mua đơn hàng số lượng lớn, nên mức giá thức ăn chăn nuôi bán cho Hội thấp hơn so với việc các trang trại riêng lẻ tự mua...
Là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô thu mua sản phẩm gia cầm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, vừa qua khi giá các loại gia cầm giảm mạnh, công ty vẫn thu mua vịt, gà, trứng gia cầm với giá bảo đảm có lãi cho người nông dân. Chỉ cần nông dân sản xuất bảo đảm chất lượng thì không sợ ế hàng, công ty sẽ thu mua như cam kết trong hợp đồng.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, nếu nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường và liên kết chuỗi với doanh nghiệp thì giá tiêu thụ luôn ổn định và ít chịu tác động bởi rủi ro đến từ thiên tai, dịch bệnh hay yếu tố thời vụ. Mặt khác, việc phát triển các chuỗi gia cầm an toàn sẽ tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, giúp giá tăng 10-15% so với sản phẩm chăn nuôi không thực hiện liên kết chuỗi…
Đổi mới phương thức chăn nuôi
Có thể thấy, người chăn nuôi gia cầm được hưởng nhiều lợi ích từ việc thực hiện liên kết chuỗi, nhưng trên thực tế việc liên kết không dễ triển khai rộng rãi. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh, nhiều người chăn nuôi vẫn thích bán gia cầm theo giá thị trường hơn là ký kết một mức giá cố định với doanh nghiệp. Nhiều người quan niệm, dù phải đối mặt với rủi ro nhưng nếu… may mắn thì lợi nhuận sẽ cao.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất, tiêu thụ gia cầm hiện còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội vẫn chiếm tới 60%, nên doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân có quy mô và phương pháp chăn nuôi khác nhau...
Để chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, người chăn nuôi không bị “lao đao” khi thị trường biến động, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung chia sẻ, cùng với việc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, địa phương đã chủ động làm khâu trung gian, kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ.
Còn theo ông Tạ Văn Tường, chỉ khi nào nông dân liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp thì mới hạn chế được rủi ro. Câu chuyện tiêu thụ rau và gia cầm vừa qua là bài học về sự thiếu liên kết. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường tiếp cận các doanh nghiệp có khả năng đầu tư lâu dài trong chăn nuôi và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết. Các địa phương cần chủ động tổ chức lại hợp tác xã, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. "Về lâu dài, để giải quyết căn cơ bất cập trong chăn nuôi gia cầm hiện nay, người dân cần phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, tham gia liên kết chuỗi", ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.