Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ Israel tấn công tàu chở hàng nhân đạo tới Dải Gaza của Palestine.
Chuyển một người bị thương trong vụ tấn công tới bệnh viện Hadassah Ein Kerem ở Jerusalem. (Nguồn: AFP) |
Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ Israel tấn công tàu chở hàng nhân đạo tới Dải Gaza của Palestine.
Ngày 31/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông thực sự bị sốc khi hay tin quân đội Israel tấn công tàu chở hàng viện trợ quốc tế tới Gaza làm hàng chục người chết và bị thương.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Uganda, Tổng thư ký Ban Ki-moon "đã lên án hành động bạo lực" của Israel và đề nghị mở cuộc điều tra toàn diện. Ông cũng yêu cầu Israel sớm đưa ra lời giải thích đầy đủ trước khi cộng đồng quốc tế quyết định biện pháp chung.
Đây cũng là quan điểm của đặc phái viên nhóm Bộ Tứ về Trung Đông, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định hành vi tấn công của quân đội Israel đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực chống lại dân thường và bắt giữ tàu thuyền ở hải phận quốc tế mà không có giấy tờ hợp pháp nào. Về phần mình, Chính phủ Anh kêu gọi Israel mở tất cả các cửa khẩu cho hàng viện trợ đến với người dân Gaza.
Trong khi đó, Nhà Trắng nói rằng sẽ nỗ lực tìm hiểu rõ bối cảnh dẫn tới việc binh lính Israel phải nổ súng vào tàu cứu trợ.
Thêm nhiều quốc gia trên khắp các châu lục lên án hành động bạo lực của Israel. Tại châu Âu, Italy và Đức bày tỏ chia buồn với các dân thường thiệt mạng và đề nghị một cuộc điều tra nghiêm túc và chi tiết, với sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU).
Trong thế giới Arập, Qatar lên án vụ tấn công của Israel là "hành động của hải tặc;" Lebanon - nước chủ trì phiên họp hôm nay của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã kêu gọi triệu tập Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp về vụ này.
Ngày 31/5, Kuwait đã triệu tập Đại sứ Anh, Pháp, Trung Quốc Nga và Mỹ, đề nghị các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an gây sức ép với Israel nhằm đảm bảo an toàn cho 16 công dân Kuwait hiện đang bị quân đội Israel giam giữ sau vụ tấn công trên.
Trong khi đó, hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Syria đã xuống đường biểu tình phản đối Israel và bày tỏ tình đoàn kết với người dân ở Gaza, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế có biện pháp chấm dứt các vụ tấn công của Israel nhằm vào dân thường.
Tại châu Á, Pakistan lên án vụ tấn công của Israel là "hành động phi nhân tính và dã man," trong khi Indonesia cho rằng cộng đồng quốc tế cần gây sức ép, buộc Israel phải chịu trách nhiệm về "hành động côn đồ" của mình. Tại châu Phi, Ai Cập cho rằng Tel Aviv đã "sử dụng vũ lực một cách bừa bãi và thái quá" khiến những người dân vô tội thiệt mạng.
Trong diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ - nước có tàu bị tấn công, đã quyết định hủy ba cuộc tập trận quân sự chung với Israel và rút đại sứ tại Israel về nước để phản đối. Trong khi đó, một quan chức cấp cao Israel cho biết Thủ tướng nước này, ông Benjamin Netayahu sẽ tiếp tục chuyến thăm Canada theo kế hoạch, nhưng hủy chuyến thăm Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.