(HNMO) - Do tốc độ xóa đói giảm nghèo chậm lại, thế giới có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030.
Đây là cảnh báo được Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo được công bố ngày 9-7 về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.
Liên hợp quốc định nghĩa đói nghèo cùng cực nghĩa là tình trạng người dân sống với mức thu nhập dưới mức 1,9 USD/ngày. Theo thống kê của tổ chức này, tỷ lệ đói nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm từ 35,9% vào năm 1990 xuống còn 9,9% năm 2015, năm Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030.
Đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 8,6%. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo, nếu tốc độ xóa đói giảm nghèo trên thế giới tiếp tục duy trì như hiện nay, vào năm 2030, tỷ lệ đói nghèo cùng cực sẽ ở mức khoảng 6%.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Trong 25 năm qua, hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi đói nghèo. Trong đó, khu vực đạt được tiến bộ lớn nhất về xóa đói giảm nghèo là Đông Á, nơi tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ mức 52% vào năm 1990 xuống chỉ còn dưới 1% vào năm 2015.
Trong số 736 triệu người đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực trên toàn cầu, có khoảng 413 triệu người sinh sống ở khu vực châu Phi hạ Sahara.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự báo, nếu không có sự thay đổi về chính sách, tỷ lệ người dân phải sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực có thể sẽ tăng ở mức hai con số tại khu vực châu Phi hạ Sahara vào năm 2030.
“Số người nghèo tại khu vực này vẫn đang tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây và cao hơn so với số người nghèo ở tất cả các khu vực khác cộng lại”, báo cáo nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030, Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia cần có các chương trình hành động nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đặt ra 17 mục tiêu, bao gồm kết thúc đói nghèo; cải thiện sức khỏe và giáo dục; bình đẳng giới; chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy xã hội hòa bình và đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững....
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.