Theo Guardian, người đứng đầu một số cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo cho biết, sẽ không tham gia vào việc thành lập bất kỳ “vùng an toàn” nào ở Gaza mà chỉ một bên trong cuộc xung đột tuyên bố.
Một tuyên bố chung được ký bởi gần 10 người đứng đầu các cơ quan của Liên hợp quốc, bao gồm: Giám đốc nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk, Giám đốc điều hành Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus… đã nêu rõ:
“Với tư cách là những người đứng đầu các tổ chức nhân đạo, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không tham gia vào việc thành lập bất kỳ “vùng an toàn” nào ở Gaza được thiết lập mà không có sự đồng ý của tất cả các bên, trừ khi có các điều kiện cơ bản để bảo đảm an toàn và các nhu cầu thiết yếu khác được đáp ứng cũng như có cơ chế giám sát việc thực hiện”.
Hơn một tháng qua, Israel đã kêu gọi người dân Palestine ở phía Bắc Gaza sơ tán về phía Nam. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thiết lập “hành lang nhân đạo” để cho phép người dân rời khỏi phía Bắc Gaza.
Hàng chục nghìn người đã chạy trốn từ Bắc xuống Nam Gaza trong những tuần gần đây, chen chúc vào các nơi trú ẩn và nhà ở gia đình do Liên hợp quốc hỗ trợ, những địa điểm mà người đứng đầu tổ chức nhân quyền của Liên hợp quốc cảnh báo rằng “sự bùng phát lớn của bệnh truyền nhiễm và nạn đói” dường như khó tránh khỏi.
Tuyên bố chung hôm 16-11 cho biết, các đề xuất đơn phương tạo ra “các vùng an toàn” ở Gaza “có nguy cơ gây tổn hại cho dân thường, bao gồm cả thiệt hại nhân mạng trên quy mô lớn và phải bị bác bỏ”, đồng thời cho biết thêm: Không có “vùng an toàn” nào thực sự an toàn khi được tuyên bố đơn phương hoặc thực thi bởi sự hiện diện của lực lượng vũ trang.
Cùng ngày, Liên hợp quốc đang tìm cách sơ tán Bệnh viện Al Shifa ở Gaza nhưng bị hạn chế bởi công tác an ninh và hậu cần, một quan chức cấp cao của WHO cho biết.
Giám đốc chương trình khẩn cấp khu vực của WHO Rick Brennan nói với Reuters rằng, trở ngại là Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine thiếu nhiên liệu cho xe cứu thương ở Gaza để sơ tán bệnh nhân, trong khi Ai Cập sẵn sàng cho xe cứu thương đến Gaza để giúp sơ tán người dân, miễn là có thể bảo đảm an ninh và lối đi an toàn.
WHO cho biết, vẫn còn khoảng 600 bệnh nhân, trong đó có 27 người đang trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Al Shifa, nơi lực lượng Israel đã tiến vào trong tuần này sau cuộc bao vây kéo dài nhiều ngày. Theo ông Brennan, kế hoạch sơ tán rất phức tạp do liên lạc với bệnh viện hầu như bị cắt đứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.