(HNMO)- Từ ngày 1/10 đến đến 04/10/2015, tại Hà Nội và TP HCM sẽ diễn ra Liên hoan Múa Đương đại quốc tế với tên gọi “Múa Đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu”. Đây là lần thứ 5, Liên hoan diễn ra tại Việt Nam với các tác phẩm múa đặc sắc đến từ 06 quốc gia gồm: Đức, Bỉ, Israel, Nhật Bản, Ba Lan và Việt Nam.
Một tác phẩm múa đương đại của Biên đạo múa Trần Ly Ly |
Kể từ năm 2011 cho tới nay, Liên hoan đã thành công trong việc quảng bá nghệ thuật múa đương đại tại Hà Nội và trở thành một trong những sự kiện văn hóa thường niên lớn nhất của thủ đô. “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” là một sáng kiến của EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội, phối hợp thực hiện cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Viện Goethe điều phối.
Trong bốn ngày và tại hai địa điểm biểu diễn - Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Lớn Hà Nội - khán giả sẽ có cơ hội được đắm chìm trong thế giới của nghệ thuật múa đương đại, khám phá những vũ đạo tinh tế khai thác chiều sâu nội tâm với nhiều phong cách đa dạng đến từ các quốc gia: Đức, Bỉ (Wallonie-Bruxelles), Israel, Nhật Bản, Ba Lan tham gia lần đầu tiên và Việt Nam. Một lần nữa, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tiếp tục phối hợp dàn dựng một tác phẩm múa hợp tác.
Một trong những sự kiện nổi bật của Liên hoan năm nay chính là hai buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội của công ty vũ kịch đã nhiều lần được vinh danh trên sân khấu múa quốc tế - Sasha Waltz & Guest đến từ Berlin.
Năm nay cũng là lần đầu tiên Liên hoan mở rộng và đến với công chúng Thành phố Hồ Chí Minh với hai buổi biểu diễn do Trung tâm Văn hóa Pháp và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles giới thiệu. Trong ArtLana, hai nghệ sỹ múa Artour Astman và Ilana Bellahsen cùng nhau trải qua chuyến du hành đến một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc, khám phá nhiều địa danh kì thú và bước qua nhiều cung bậc cảm xúc. Sinh ra tại Pháp, lớn lên ở Israel, nữ nghệ sỹ Ilana Bellahsen sống cùng nghệ sỹ gốc Nga Artour Astman tại Tel Aviv từ năm 2008, nơi họ nổi danh với vai trò nghệ sỹ múa đôi. Artlana là tác phẩm múa dài đầu tiên của họ.
Năm nay, nữ biên đạo múa Karine Ponties sẽ tiếp tục biên đạo tác phẩm múa hợp tác Bên bờ, được biểu diễn bởi một nghệ sỹ múa của Bỉ và một nghệ sỹ múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Sự cô đơn bị ngắt quãng. Sự thâm nhập tình cờ của một màu sắc khác, một bản tính khác, một con người khác. Họ cùng sẻ chia khoảng cách, sẻ chia ảo ảnh bên nhau, khám phá những thế mạnh và khác biệt, bị giằng xé giữa việc cố gắng cưỡng lại sự xâm nhập của bản thể kia với việc bị tan hòa vào nhau.
Nghệ sỹ, biên đạo múa Trần Ly Ly (phải) |
Việc hợp tác với các nghệ sỹ múa từ khắp nơi trên thế giới từ lâu đã trở thành thương hiệu của Sasha Waltz, nữ biên đạo múa từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế : Kể từ ngày thành lập, công ty múa của bà đã hợp tác với hơn 250 nghệ sỹ đến từ 25 quốc gia. Trong tác phẩm múa Hai miền đất nước, nữ nghệ sỹ đã dệt nên những hình ảnh thơ mộng trong các câu chuyện thần thoại của Đức bằng âm nhạc từ nhiều thế kỉ. Với sự hài hước xen lẫn nỗi u sầu, tác phẩm đã tái hiện quá khứ gần nhất của nước Đức và vẽ những bức tranh đầy tính thơ về „Những hình ảnh từ nước Đức“.
Kĩ thuật múa của Kentaro! chủ yếu dựa vào kỹ thuật hiphop, nhưng sự diễn đạt của anh lại rất khác biệt, hoàn toàn không giống với các phong cách thể hiện vốn có. Với niềm đam mê vũ đạo xuất phát từ ấn tượng của chương trình thi nhảy truyền hình, hiện nay anh đang điều hành công ty múa riêng “Tokyo Electrock Stairs”, đồng thời tự soạn nhạc cho các tác phẩm của mình. Tác phẩm múa Kelex trở về rừng thật đặc biệt :Một số câu chuyện cố trỗi dậy nhưng rồi lại nhạt nhòa đi chẳng vì sao. Những gì còn lại, chỉ là kỷ niệm.
Đặc biệt là tác phẩm “DSM-IV 301.81 – Rối loạn nhân cách tuýp B”, đây là tác phẩm biên đạo đầu tay của nghệ sỹ múa người Ba Lan Daniel Stryjecki. Vở múa là sự mô tả một cách ẩn dụ hội chứng ái kỷ - những người mắc phải hội chứng tâm lý này đã giao tiếp với người khác như thế nào. Ông Daniel Stryjecki sẽ có 2 buổi workshop tại Dancenter, 53 Nguyễn Đăng Giai, Quận 2, Thảo Điền, TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 02/10/2015.
Về phía đoàn Việt Nam có nữ nghệ sỹ , biên đạo múa nổi tiếng - Trần Ly Ly, cùng tác phẩm "Có có Không không" mô tả lại một thế giới hiện đại đang quay cuồng trong thời đại kĩ thuật số, nơi những điều nhỏ nhặt nhất của đời sống thường ngay đang dần thay đổi, nơi con người trở nên thiếu kiên nhẫn và ít quan tâm đến những người xung quanh. Trong sự nhiễu loạn ấy, Thiền như một tiếng chuông cảnh tỉnh để con người sống chậm hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn, và cũng nhân văn hơn. Tác phẩm của Trần Ly Ly cũng sẽ là tác phẩm bế mạc liên hoan nghệ thuật đặc biệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.