(HNMO) - Trong bối cảnh thị trường phân bón có nhiều biến động, ngày 11-8, hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp trực tuyến đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước.
Từ đầu năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng trung bình 50 – 73%, làm tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến đời sống của người nông dân. Hằng năm, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ.
Về nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, Cục trưởng Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho rằng, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh khi giá nông sản thế giới liên tục tăng thời gian qua khiến nhu cầu phân bón tăng, trong khi sản xuất phân bón năm 2021 không kịp đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng trên toàn cầu làm cho phân bón và nhiều mặt hàng đều tăng giá rất mạnh.
"Nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics. Nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao”, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung, 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước cũng không tăng trong những năm gần đây. Cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.
“7 tháng đầu năm, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, chúng ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ. Năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư”, Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.
Theo ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng là chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của các tập đoàn, doanh nhiệp trong việc duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung phân bón cho thị trường. Đồng thời yêu cầu, các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhận thức được tác động của việc tăng giá phân bón, ngay từ quý I-2021, liên bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước đề nghị, giảm xuất khẩu, ưu tiên phục vụ cho nhu cầu trong nước. Để bình ổn thị trường phân bón, liên bộ đã thống nhất nhiều giải pháp, như giảm giá thành sản phẩm, bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào.
Thứ trưởng đề nghị, các doanh nghiệp bảo đảm công suất sản xuất đồng thời với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp nỗ lực ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập khẩu.
Về các giải pháp dài hạn, Thứ trưởng đề nghị ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ… Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để bảo đảm cho vụ đông xuân sắp tới. Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bình ổn thị trường phân bón; đồng thời, có các giải pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất - kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.