Xe++

Lexus LF-ZC và LF-ZL định hình lộ trình điện khí hóa ô tô hạng sang Nhật Bản

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 28/10/2023 - 17:20

Ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô quan tâm tương lai điện khí hóa không chỉ vì khó khăn năng lượng hay vấn đề khí thải.

car05287-enhanced-nr.jpg
Mang bản sắc riêng của xe động cơ đốt trong vào xe điện là thách thức với các hãng ô tô.

Tuy nhiên, tới nay các ý tưởng dài hạn chỉ tập trung ở xe phổ thông.

Theo Chủ tịch Lexus – hãng xe sang duy nhất của Nhật Bản, ông Takashi Watanabe, những chiếc ô tô điện có nhiều khác biệt so với xe động cơ đốt trong truyền thống. Các dòng xe hạng sang vốn chú trọng vào trải nghiệm của người sử dụng và có tính kết nối cao tới hạ tầng dịch vụ.

Trong khi đó, thành phần cơ khí của ô tô không còn là yếu tố quyết định “hạng sang”, bởi kết cấu xe điện khá đơn giản, chủ yếu chỉ xoay quanh pin và mô tơ điện. Điều này đồng nghĩa việc trải nghiệm hạng sang trên xe điện sẽ rất khác so với xe động cơ đốt trong truyền thống, và đây sẽ là một thách thức với các hãng xe, nhất là khi họ muốn truyền tải bản sắc riêng tới người sử dụng.

Trong bối cảnh đó, LF-ZC và LF-ZL, hai mẫu xe điện chạy pin ý tưởng (BEV) được trưng bày tại Triển lãm Di động Nhật Bản 2023 (JMS 2023) thể hiện tầm nhìn của Lexus nói riêng và các dòng ô tô hạng sang Nhật Bản trong vài năm tới.

Trong đó, LF-ZL thể hiện triết lý về ô tô hạng sang cỡ lớn không phát thải. Xe có kích thước tới 5.300mm x 2.020mm x 1.700mm, trục cơ sở 3.350mm, tức tương đương với Lexus LS hiện nay.

Chiếc xe rất đẹp là điều không có gì ngạc nhiên. Nhưng sự khác biệt nằm ở việc kết cấu đơn giản của hệ thống truyền động điện cho phép xe hạ thấp trọng tâm, vận hành ổn định hơn.

Sàn phẳng, trần phẳng, đồng nghĩa các nhà sản xuất có thể thoải mái sáng tạo nội thất, mà không lo tới những khối gồ hay hạn chế vật lý cố hữu trên ô tô máy xăng/dầu truyền thống.

Táp lô thấp và cơ chế tự hành cũng đồng nghĩa người trên xe có thể đạt tầm quan sát xung quanh rộng, thậm chí 360 độ.

Một điểm thú vị là xe sử dụng nhiều vật liệu có nguồn gốc từ tre - vật liệu được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản và nhiều nước châu Á cho hàng thủ công. “Trong tương lai, sự sang trọng không nằm ở tính xa xỉ của vật chất bạn sở hữu, mà sẽ nằm ở việc thứ bạn sử dụng có ảnh hưởng tới môi trường hay không” – ông Watanabe chia sẻ.

car05293-enhanced-nr.jpg
Vật liệu tre được sử dụng rộng rãi trong nội thất LF-ZL.

Một điểm mới nữa là hệ điều hành Arene OS cho phép điều chỉnh hoạt động của xe. Từ chế độ lái, âm thanh cho tới độ rung đều có thể được tùy chỉnh theo sở thích cá nhân. Giống như hầu hết các hệ điều hành hiện đại, Arene có thể được cập nhật qua mạng hoặc OTA.

Kết hợp với công nghệ mới như cơ cấu lái điều khiển điện từ, những hệ điều hành như AreneOS có thể tùy biến xe điện tương lai một cách triệt để và toàn diện, không chỉ giới hạn ở động cơ hay hộp số như hiện nay.

Người dùng thậm chí có thể tải xuống cấu hình xe thể thao hoặc cài đặt cấu hình xe gia đình để trải nghiệm khoảnh khắc cầm lái.

Một yếu tố không thể thiếu trên xe hơi hiện đại là những cơ chế hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được gọi là “Butler” (bồi bàn). Bằng cách học hỏi từ tài xế, Butler có thể tự thiết lập cài đặt tối ưu cho từng người dùng, từ đó suy nghĩ trước và dự đoán nhu cầu.

vr_1.jpeg
Trải nghiệm thực tế năng lực mới của AI trên ô tô.

Nói cách khác, chiếc xe giờ đây có thể cảm nhận và quan sát môi trường xung quanh như một “cảm biến di động”, và tương tác với người điều khiển hay hành khách trong xe như một chủ thể có tư duy riêng.

Ở thời điểm ngành công nghiệp ô tô đứng trước bước ngoặt lớn, những tầm nhìn mới cũng đang định hình. Nếu như các nhà sản xuất châu Âu mong muốn mang những giá trị truyền thống lên xe điện hạng sang, những tên tuổi Trung Quốc đặt kỳ vọng ở các món “đồ chơi” công nghệ số ở chi phí hợp lý, thì các hãng xe Nhật Bản – tuy có phần chậm trễ đón trào lưu mới – dường như đã định hình con đường cho mình là công nghệ vị nhân sinh, tính bền vững và thân thiện môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lexus LF-ZC và LF-ZL định hình lộ trình điện khí hóa ô tô hạng sang Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.