Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lên phương án ứng phó tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn

Theo Chinhphu.vn| 01/04/2020 19:51

Ngày 1-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đã họp triển khai các biện  pháp phòng, chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp, chiều 1-4. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung: Thống nhất hành động, phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh; điều chỉnh lại việc bố trí công năng của các bộ phận khám chữa bệnh; làm việc theo tổ đội trong các bệnh viện; hỗ trợ các bệnh viện tư nhân; chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác điều trị trong tình hình mới; tổ chức công tác cách ly và đưa người đã hoàn thành cách ly về địa phương; bảo đảm vệ sinh dịch tễ tại các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh…

Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay, số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả cao. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có 16 ca bệnh. Sang giai đoạn 2, từ ngày 6-3 (thời điểm xuất hiện bệnh nhân thứ 17) đến nay, chúng ta mới chỉ có tổng 212 người nhiễm Covid-19 (cả hai giai đoạn), đứng thứ 88 thế giới, chưa có bệnh nhân tử vong (chỉ 5 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh chưa có bệnh nhân tử vong)... Do đó, trong thời gian tới, cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo để triển khai phòng, chống dịch hiệu quả.

Giãn cách xã hội là hết sức cần thiết

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong từng thời kỳ.

Chúng ta đã áp dụng ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập theo từng bước, từng nước, sau đó là từng khu vực rồi đến việc hạn chế tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là những hành động rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Ở trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành rất quan trọng và rất kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.

Bản chất thực hiện cách ly xã hội chính là giãn cách xã hội. Theo đó, người dân cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2 m).

“Đây là chỉ thị đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh hiện nay và 2 tuần tới là thời gian rất quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn dịch bệnh Covid-19”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó. Ảnh: VGP/Đình Nam

Mọi trường hợp nhiễm Covid-19 đều được chăm sóc y tế

Về vấn đề điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chúng ta đã có những thành công nhất định. Tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt.

“Điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay, chúng ta chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là thành tựu rất lớn của ngành Y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Ngành Y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ điều trị của thế giới.

Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hệ thống y tế của Việt Nam khác với các nước, là có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương. Theo đó, mọi bệnh nhân Covid-19 đều được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, chúng ta sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã tính toán phương án giảm tải cho đô thị lớn; chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

63 ca khỏi bệnh, hàng chục bệnh nhân âm tính

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, tính đến 6h ngày 1-4, Việt Nam đã có 212 người mắc Covid-19. 63 ca đã khỏi bệnh/xuất viện. 149 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Đối với 4 bệnh nhân nặng, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện tại có nhiều bệnh nhân sức khỏe tiến triển tốt lên.

Các bệnh nhân đều có tiến triển sức khoẻ khả quan, trong đó có trường hợp nặng nhất là bác ruột bệnh nhân số 17. Bệnh nhân số 26 đã bỏ máy thở, rút ống nội khí quản và đang được theo dõi; 3 bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định (trong đó có 1 ca ECMO và 1 ca thở máy, 1 ca thở máy không xâm nhập), tiến triển tốt lên.

Đã có 2 trong 4 bệnh nhân Covid-19 này đến nay có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với vi rút gây bệnh.

4 nhân viên y tế gồm 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và 2 điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai có tình trạng sức khoẻ ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lên phương án ứng phó tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.