Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Lên đời'' Intel Core thế hệ 12 buộc phải thay mới hầu hết các thành phần máy tính

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 29/10/2021 09:11

(HNMO) - Intel đã chính thức công bố thế hệ vi xử lý Core thứ 12, nhưng sự thay đổi toàn diện về phần cứng đồng nghĩa người dùng sẽ phải bỏ ra khoản chi phí “lên đời” cao hơn đáng kể.

Intel Core thế hệ 12 sẽ có mặt trên thị trường thế giới (trong đó có cả Việt Nam) từ ngày 4-11.

Theo công bố, giá của các chip Core 12 không quá đắt đỏ so với thế hệ 11. Phiên bản Core i9-12900K (8 lõi hiệu năng cao, 8 lõi tiết kiệm điện) dự kiến vào khoảng 589 USD - tương đương gần 14 triệu đồng, tức đắt hơn khoảng 1 triệu đồng so với i9-11900K ở thời điểm ra mắt. Trong khi đó, phiên bản rẻ nhất ở thời điểm ra mắt sẽ là Core i5-12600KF (6 lõi hiệu năng cao, 4 lõi tiết kiệm điện) với giá 264 USD (khoảng 6 triệu đồng).

Tuy nhiên, những người đang dùng nền tảng đương nhiệm không đơn giản chỉ mua bộ xử lý mới về thay vào hệ thống sẵn có như khi chuyển giao thế hệ 10 sang 11, mà buộc phải thay thế toàn bộ bo mạch chủ, bộ nhớ và nhiều phụ kiện.

Trong giai đoạn đầu, hầu hết các bo mạch chủ loại này đều ở phân khúc trung - cao cấp, do đó có giá không rẻ. Theo khảo sát thực tế, người dùng sẽ phải bỏ ra khoảng 4 - 8 triệu đồng.

Bo mạch chủ mới cũng là bắt buộc nếu người dùng muốn sử dụng được bộ nhớ RAM DDR5 siêu tốc. Intel Core 12 cũng là những bộ xử lý đầu tiên trên thị trường tiêu dùng sử dụng loại RAM này thay cho DDR4 vốn phổ biến trên thị trường suốt từ năm 2014. Các ước tính chỉ ra, chỉ riêng chi phí mua DDR5 sẽ cao hơn khoảng 50% - 60% so với DDR4.

Intel Core mới cũng song hành với giao tiếp PCI-Express thế hệ thứ 5. Dù chuẩn mới vẫn cho phép sử dụng các card đồ họa và linh kiện cũ, nhưng rất nhiều vỏ máy, phụ kiện nối dài chân cắm... dự kiến phải thay thế để đảm bảo tốc độ tối đa.

Một trở ngại khác là việc thay tản nhiệt không thể tránh khỏi. Mặc dù một số nhà sản xuất phụ kiện này như NZXT, Noctua... đã tuyên bố sẽ hỗ trợ người dùng bằng việc cung cấp miễn phí bộ gá tương thích LGA1700 mới, nhưng thực tế là phần lớn các loại tản nhiệt dành cho các thế hệ vi xử lý cũ sẽ phải “vứt xó”.

Bộ xử lý Core i9-12900K trong khe cắm LGA1700 mới.

Sự “lệch pha” nói trên ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ linh kiện máy tính trong nước. Trao đổi với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này, được biết hiện bo mạch chủ và bộ xử lý mới đều đã có sẵn trong kho, chỉ chờ tới thời điểm 4-11 để tung ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều đại lý lo lắng về khả năng lắp ráp máy bộ hoàn chỉnh trên nền tảng mới, trong bối cảnh RAM DDR5 đặc biệt khan hiếm.

Để ứng phó, nhiều đơn vị cho biết, trước mắt tạm hướng đến bán lẻ vi xử lý và bo mạch chủ Intel Core 12. Nếu lắp máy bộ, họ sẽ cố gắng tận dụng các bo mạch chủ vẫn duy trì hỗ trợ RAM DDR4 - dù loại linh kiện này không có nhiều lựa chọn. Người dùng tạm thời cũng chưa có card đồ họa PCI-Express 5.0 để có thể tận dụng tối đa hiệu năng của nền tảng mới.

Dù vậy, nhiều ý kiến trao đổi kỳ vọng, mùa mua sắm cuối năm đang tới gần trong bối cảnh đối thủ chính của Intel là AMD phải sang năm 2022 mới có những sản phẩm mới, sự hiện diện của Intel Core thế hệ thứ 12 sẽ là động lực chính thổi bùng làn sóng mua sắm mới trong dịp cuối năm 2021, giúp thị trường máy tính cá nhân trong nước “về đích” an toàn giữa nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Lên đời'' Intel Core thế hệ 12 buộc phải thay mới hầu hết các thành phần máy tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.