(HNM) - Lễ hội Gióng Đền Sóc và hội Gióng Phù Đổng có quy mô không lớn, thời gian không dài, nhưng là lễ hội được bắt đầu từ một huyền tích, được lịch sử hóa để trở thành biểu tượng ông Gióng chống ngoại xâm. Danh sĩ Cao Bá Quát đã có đôi câu đối tuyệt vời:
(Tiếp theo số báo ngày 16-2 và hết)
(HNM) - Lễ hội Gióng Đền Sóc và hội Gióng Phù Đổng có quy mô không lớn, thời gian không dài, nhưng là lễ hội được bắt đầu từ một huyền tích, được lịch sử hóa để trở thành biểu tượng ông Gióng chống ngoại xâm. Danh sĩ Cao Bá Quát đã có đôi câu đối tuyệt vời:
Hội Gióng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.Ảnh: Bá Hoạt |
Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng không do hận cửa thiên cơ
(tạm dịch: Đánh giặc lên ba hiềm đã muộn/Lên mây tầng chín giận chưa cao)
Hội Gióng ở Đền Sóc được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây, nhân dân đã xây dựng khu di tích Đền Sóc, trong đó, Đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ Mộc Dục, rước, dâng hương, hóa voi và ngựa… Còn hội Gióng ở đền Phù Đổng được tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng Tư âm lịch, chính hội diễn ra vào ngày 9 tháng Tư. Theo truyền thuyết, làng Phù Đổng chính là nơi sinh ra người anh hùng Thánh Gióng.
Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời
Hội Gióng ở đền Phù Đổng được ví như một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa. Lễ hội không hề có hình tượng Thánh Gióng trong lễ thức mà chỉ có hình tượng ngựa Gióng nhưng lại có 28 nhân vật tướng giặc Ân. Ấy thế mà chiến công của người anh hùng vẫn là cốt lõi là trung tâm của đám rước. Lễ hội với nghệ thuật ẩn mà hiện rất tài tình. Người anh hùng đích thực là người anh hùng vô danh và mãi mãi vô danh. Khi có giặc đến thì đánh, giặc tan lại trở về làm dân, trở về với dân. Cái giỏi của người xưa đã nghệ thuật hóa đến mức cao nhất từ hình thức là các đám rước, hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng đến nội dung là diễn xướng, múa hát ải lao, múa hổ... và để người đi chơi hội không chỉ là khách đứng xem, lễ hội còn có trò chơi dân gian kéo họ cùng tham gia như: cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
Từ xưa, dân trong vùng đã có câu vè “Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng”, hội Gióng xưa cũng đã như vậy, “lấy lộc” mang tính thực dụng của văn hóa nông nghiệp nên có câu “Đi chơi mất chỗ, ăn cỗ có phần”, ai đi hội cũng mong muốn mang cái gì về cho người phải ở nhà.
Với những giá trị như vậy nên năm 2010, hội Gióng Đền Sóc và hội Gióng đền Phù Đổng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó UNESCO đã ghi nhận một cách ngắn gọn và đầy đủ “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng”.
Lễ hội mang màu sắc đô thị
Vì Thăng Long - Hà Nội là đất kinh kỳ, nơi dân tứ chiếng kéo về cùng sinh sống, nói như giáo sư Trần Quốc Vượng là “hội tụ, kết tinh, lan tỏa”. Khi về đây, cùng với nghề thủ công họ cũng mang theo nếp sống, phong tục và cả thánh thần ở quê gốc của họ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội dân gian Việt Nam là lễ hội nông nghiệp vì nó gắn với các hoạt động của nhà nông, lại diễn ra ở nơi thôn dã, tham gia không chỉ có nông dân mà còn có cả thôn nhân (địa chủ, lý trưởng, thợ thủ công). Bao bọc quanh Thăng Long - Hà Nội xưa là các làng nông nghiệp nên các lễ hội ở đây vẫn mang những đặc điểm lễ hội nông nghiệp. Tuy nhiên, tại các phường trong kinh thành (nay tương ứng với khu phố cổ), dân chúng làm nghề thủ công và buôn bán thì theo thời gian, lễ hội gốc mang tính nông nghiệp đã dần thay đổi để phù hợp với đô thị. Tại các làng nằm trong khu vực kinh thành, dù có đình nhưng vì đất kinh đô quý như vàng nên đình rất hẹp, dẫn đến không gian lễ hội thành hoàng bị thu hẹp, làng không thể làm cỗ để rồi xếp theo vai vế như các đình ở vùng quê. Đám rước lễ cũng vậy, không thể rước từ phố này sang phố khác, vì thế lễ thức buộc phải rút gọn.
Ở các phố nghề như: Hàng Bạc (chuyên làm vàng bạc), Hàng Trống (chuyên làm trống, thêu, phía cuối phố xưa làm nghề vẽ tranh), Hàng Khay (chuyên khảm trai), Hàng Gai (chuyên làm nghề in mộc bản)… thì lễ hội tưởng nhớ công ơn tổ nghề cũng có những điểm khác với quê gốc, không thể kéo dài vì nhà buôn thì thúc lấy hàng, kẻ mang nguyên liệu chờ giao và vì không gian đô thị chật hẹp.
Thăng Long - Hà Nội xưa là nơi tập trung nhiều Nho sĩ - tầng lớp trí thức này cũng có tác động tới lễ hội, lại thêm sự hỗ trợ về tiền bạc của giới trung lưu kinh thành nên tính chất một số lễ hội đã thay đổi. Lễ hội Gò Đống Đa ban đầu chỉ là nghi lễ thờ cúng linh hồn của giặc Thanh bại trận để chúng không quấy phá cuộc sống dân quanh vùng nhưng chính các Nho sĩ, tầng lớp trung lưu đã chuyển thành một lễ hội tôn vinh người anh hùng áo vải chống ngoại xâm Quang Trung.
Thăng Long từ nhà Lý đến nhà Lê là kinh đô, nơi mà người nước ngoài đến Đại Việt không thể không đến và khi họ mang hàng hóa để đổi chác với các nhà buôn trong nước, họ cũng mang theo văn hóa của họ. Ít nhiều kinh đô Thăng Long cũng tiếp nhận điều đó vì thế mới có văn hóa ngoại sinh và văn hóa ngoại sinh này được hòa trộn với văn hóa nội sinh và có nhà nghiên cứu bước đầu nhận định đám rước trong các lễ hội từ cuối triều Lê có hình đám rước phương Tây. Thăng Long - Hà Nội cũng là mảnh đất mà ở đó con người được tự do hơn, không bị trói buộc bởi các lệ làng, hương ước nên những yếu tố này đã tác động đến lễ hội. Trong bài viết “30 năm nghiên cứu folklore Hà Nội”, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định “Các lễ hội nông nghiệp khi ra Thăng Long đã bị tước bỏ bớt các yếu tố mê tín, dị đoan để thành lễ hội nhẹ nhàng, không phức tạp”.
Thăng Long - Hà Nội là đô thị lớn nên giao thoa văn hóa thường diễn ra ở đây và dân chúng cũng dễ hấp thụ rồi qua bộ lọc biến thành văn hóa bản địa nên Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi hỗn dung mà còn có tính khoan dung văn hóa khác với các vùng miền khác. Thăng Long - Hà Nội cũng có nhiều lễ hội hơn các vùng miền khác vì cuộc sống đô thị không bị trói buộc các tục lệ như ở vùng quê. Song nó vẫn không mất đi tính cộng đồng, cộng cảm rồi trong môi trường chính trị - xã hội đô thị, nó được nhào nặn tạo nên bộ mặt lễ hội vừa mang tính chung với cả nước, vừa mang nét đặc thù riêng của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.