Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 diễn ra trong 5 ngày (từ 27 đến 31-12-2023) tại Khu đô thị Splendora, xã An Khánh, huyện Hoài Đức do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.
Lễ hội là dịp quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, làng nghề, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội và các tỉnh, thành phố...
Hơn 100 tổ chức, cá nhân tham gia
Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 có quy mô khoảng 10.000m2, gồm: Khu trưng bày hoa, cây cảnh; khu trưng bày tiến bộ khoa học kỹ thuật; khu gian hàng miễn phí trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố; khu gian hàng của các doanh nghiệp và các chủ thể OCOP; khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các quận, huyện, thị xã; khu trưng bày sản phẩm nông sản của các hợp tác xã; các không gian mô hình, tiểu cảnh trang trí gắn kết nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp du lịch; khu tổ chức các hội nghị, hội thi...
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, lễ hội thu hút hơn 100 tổ chức, cá nhân của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố bạn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP với 145 gian hàng và 2 khu trưng bày giới thiệu cây cảnh có giá trị cao.
Đáng chú ý, trong đó có khu gian hàng giới thiệu sản phẩm của 12 đội tham dự hội thi tìm hiểu khoa học kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi lần thứ 2 với 30 gian hàng giới thiệu về bưởi và một số nông sản khác. Các gian hàng thu hút nhiều đại biểu tham quan, trao đổi. Một số gian hàng đã kết nối và tiêu thụ sản phẩm có kết quả tốt.
Chủ gian hàng Công ty TNHH THIẾT BỊ HP A chia sẻ, sản phẩm chính của công ty là bột ngũ cốc, các loại bột từ nhiều loại rau như: Rau má, tía tô, cần tây... Công ty đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản vừa được chế biến nhân dịp lễ hội này nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng, qua đó mở rộng thị trường.
Hướng tới xuất khẩu
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, mặc dù là Thủ đô, song Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, có sự đa dạng về địa hình với vùng đồng bằng, vùng đồi, núi, vùng bãi. Đáng chú ý, Hà Nội có 9 con sông chảy qua, rất thuận lợi cho phát triển giao thương văn hóa, kinh tế cùng 1.350 làng nghề đặc sắc, giàu tiềm năng du lịch.
Với lợi thế đó, trong những năm qua, nông nghiệp Hà Nội không ngừng phát triển, đa dạng về sản phẩm, giá trị không ngừng được nâng cao, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái, du lịch… góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
“Thực hiện sự chỉ đạo và định hướng của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh gắn với phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm.
Ngoài ra, nông nghiệp Hà Nội cũng chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trong cả nước; bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội; tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, các đơn vị, cá nhân sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp…”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Lễ hội nông sản năm 2023 là sự kiện lớn của ngành Nông nghiệp Thủ đô, tạo cơ hội kết nối, mở rộng giao thương, tiến tới đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động diễn ra nhằm quảng bá, giới thiệu thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội như: Công bố chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức và các nhãn hiệu nông sản tiêu biểu đến đông đảo người tiêu dùng; hội thi tìm hiểu khoa học kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ bưởi; tôn vinh tổ chức, cá nhân trồng bưởi giỏi trên địa bàn thành phố; tổ chức trưng bày sản phẩm nông sản, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; kết nối giữa nhà sản xuất của các tỉnh, thành phố với các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.