Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội càng nhiều càng... lộn xộn (?)

Vũ Long| 21/03/2010 06:37

(HNM) - Theo con số thống kê chưa chính thức, nước ta có khoảng 9.000 lễ hội mỗi năm, chiếm đa số là các lễ hội dân gian, rồi đến lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng và các lễ hội hiện đại khác. Đa số lễ hội diễn ra vào mùa xuân nên bình quân mỗi ngày cả nước diễn ra khoảng hơn 20 lễ hội.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hội hè, đình đám được khôi phục, số lượng lễ hội được tổ chức ở các địa phương ngày càng tăng nhanh và số người đi hội năm sau cao hơn năm trước. Lễ hội bùng phát, đó là thực tế vừa mừng, vừa lo. Lo hơn cả là lễ hội nhiều nhưng lễ hội càng to, người dân càng cảm thấy xa lạ...

Người dân trèo cả lên cổng, hàng rào đình làng để xem lễ hội. Ảnh: Bảo Lâm

Ở khía cạnh tích cực, các lễ hội truyền thống khôi phục lại những tập tục văn hóa là giữ gìn giá trị và bản sắc văn hóa của một làng, một địa phương, góp phần làm cho đời sống tinh thần của dân làng thêm phong phú. Nhưng các lễ hội càng to, tổ chức ở quy mô quốc gia hay quốc tế thì sự tham gia của người dân càng ít. Đây là các lễ hội hiện đại thường gắn với cụm từ "festival" và "quốc tế". Ở đó không thiếu những màn sân khấu hóa hoành tráng huy động hàng trăm ngàn diễn viên với cờ trống rợp sân khấu và nhiều khi những sản vật hay công cụ lao động của địa phương được bê lên sân khấu hay được mô hình hóa. Còn người dân đứng xem vòng trong vòng ngoài hay... trèo lên cây, lên tầng thượng để xem. Những người tham gia vào nội dung các lễ hội này đa phần là học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật, diễn viên ở các đoàn nghệ thuật của địa phương đó và chiếm phần lớn nội dung chương trình là phần biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ các nhà hát ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Có những công ty tổ chức biểu diễn hay những đơn vị cho thuê thiết bị âm thanh, ánh sáng bao thầu nội dung lễ hội và họ đi tổ chức hết lễ hội này đến lễ hội khác, coi như một ngành kinh doanh khá bộn tiền trong phong trào nhà nhà đua nhau làm lễ hội hiện nay. Vì vậy, không khó hiểu khi tuần trước địa phương A tổ chức festival lúa gạo thì tuần sau địa phương B mở lễ hội trái cây... Các lễ hội này ra đời xuất phát từ sự "kích cầu" của các cá nhân và đơn vị hành nghề tổ chức sự kiện và cho thuê trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Còn người dân đứng ngoài xem, thích thì đứng lâu, không lại bỏ về... Có một điều kiện gần như "bắt buộc" là các lễ hội hoành tráng thường truyền hình trực tiếp. Và khán giả mở tivi bắt gặp những màn sân khấu hóa nhàm chán thì chuyển sang kênh khác.

Những ban bệ được lập ra nghe có vẻ hoành tráng nhưng những người tổ chức dường như bỏ quên vai trò của người dân. Việc một số địa phương mời các đoàn hát chuyên nghiệp đến biểu diễn ở lễ hội thay cho "cây nhà, lá vườn" cũng giảm đi phần nào độ hấp dẫn của lễ hội và nhiều khi làm phá vỡ không gian văn hóa của lễ hội, nhất là ca hát những tiết mục mới. Theo các nhà nghiên cứu, trong lễ hội truyền thống, bản thân phần lễ, hội, những diễn xướng dân gian vốn đã kết tinh trong đó hàm lượng văn hóa, nghệ thuật rất cao. Vì vậy không cần đến nhiều đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của lễ hội thể hiện ở cung cách tổ chức sao cho an toàn, vệ sinh và hấp dẫn. Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), để nhận được sự đồng thuận của người dân thì lễ hội phải hướng tới các lợi ích thiết thực với họ. Thay vì xây dựng kịch bản và mời dân diễn thì hãy cũng họ xây dựng nội dung chương trình và giúp họ thực hành. Nhà tổ chức giúp cộng đồng hướng người dân làm lễ hội chứ không nên áp đặt họ phải làm những việc mà trước nay họ không làm hay mặc những trang phục không phải họ thường mặc… Còn với lễ hội đương đại thì phải biết nhu cầu của công chúng để cung cấp cho họ những món ăn tinh thần phù hợp thì họ mới hưởng ứng và thích thú.

Thu hút người dân tham gia cũng là một nội dung quan trọng và thiết thực của xã hội hóa hoạt động lễ hội. Không chỉ người dân tham gia các hoạt động mà còn có thể đóng góp sức người, sức của làm nên diện mạo của lễ hội. Nhiều lễ hội ở các nước với các chương trình nghệ thuật do chính người dân tổ chức, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí. Tỉnh Quảng Ninh thực hiện khá hiệu quả xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa và tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội... Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, việc tham gia của người dân vào các khâu, tiến trình lễ hội bị hạn chế do những nguyên nhân khách quan. Không dễ để huy động người dân bỏ công sức tham gia khi mà cuộc sống hiện đại đã len về các làng quê, ai cũng tất bật trong guồng quay mưu sinh. Dĩ nhiên là khó chứ không phải không thể. Điều quan trọng là tìm ra cách thức phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm dân cư để việc tổ chức lễ hội trên quê hương không tạo ra khoảng cách xa lạ với cộng đồng dân cư nơi đó. Làm sao để giữa những người biểu diễn với người đi dự hội không còn khoảng cách, để người đi dự thấy lễ hội không xa lạ, rời rạc mà gắn kết mật thiết với họ. Cũng tránh thái cực bỏ tiền để người dân tham gia vào các hoạt động lễ hội mà không tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân xem họ có thích hay hoạt động đó có phù hợp với họ hay không. Bà Linh Nga NiêK Đam trong lần trả lời phỏng vấn gần đây đã thẳng thắn nói rằng: "Chúng ta chưa bao giờ trao đổi với bà con cho bình đẳng, mà chỉ áp đặt lên họ thôi. Bà con đã gìn giữ bao nhiêu lễ hội vài trăm năm nay có cần đến ai đâu? Tự chúng ta ở ngoài tác động vào, cho họ tiền để họ làm, mà không quan tâm họ nghĩ gì?".

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - PGS Lê Trung Vũ ủng hộ quan điểm đưa lễ hội trở về với nguồn cội với sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân, tạo cơ hội cho tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp góp công, góp sức. Ông mong những lễ hội lớn sắp tới, đặc biệt là Lễ hội 1000 năm Thăng Long sẽ thể hiện được khía cạnh này, để người Hà Nội tự hào khi được sống vào thời khắc thiêng liêng của thành phố ngàn năm tuổi và góp phần nhỏ bé làm nên sự kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội càng nhiều càng... lộn xộn (?)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.