Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ Giáng sinh và năm mới 2021: Kỳ nghỉ buồn của thế giới

Quỳnh Dương| 28/12/2020 07:15

(HNM) - Có lẽ chưa năm nào thế giới lại trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới trong bầu không khí ảm đạm như năm nay. Thay vì những hình ảnh lễ hội tưng bừng, vui nhộn thường thấy là quang cảnh vắng lặng do lệnh phong tỏa, tăng cường giãn cách xã hội được triển khai ở nhiều quốc gia khi số người mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt qua mốc 80 triệu và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông già Noel phải đứng trong bong bóng bảo vệ ở Đan Mạch để phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2.

Ngay trước thềm Giáng sinh 2020, thông tin về biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70% như chất thêm gánh nặng lên những quốc gia vốn đang chao đảo vì dịch bệnh. Chỉ trong ít ngày, không chỉ ở Anh, biến thể VUI-202012/01 còn xuất hiện tại ít nhất 8 nước châu Âu khác và Nhật Bản. Đây không phải lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 bởi vi rút biến đổi theo thời gian là điều bình thường. Tháng 2 năm nay, biến thể D614G của SARS-CoV-2 đã có tại châu Âu và sau đó lan nhanh trên thế giới. Một biến thể khác là A222V cũng lây lan khắp châu Âu, được cho là xuất hiện sau kỳ nghỉ hè của những người đến Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện biến chủng mới xuất hiện ở Anh rất khác so với hơn 100.000 biến thể của vi rút gây dịch Covid-19. Tốc độ lây lan nhanh đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người cần điều trị y tế dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện. Theo thống kê từ Bộ Y tế Anh, kể từ khi được phát hiện vào ngày 20-9 đến nay, tỷ lệ các ca nhiễm biến thể VUI-202012/01 đã tăng lên 26% trong tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước và 60% trong tổng số ca mắc tại London. Đáng chú ý, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo, VUI-202012/01 có khả năng lây lan ở các nhóm trẻ tuổi hơn.

Diễn biến bất thường của dịch bệnh đúng vào thời điểm nhiều nước châu Âu dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội dịp Giáng sinh và năm mới. Thay cho điều đó, các quốc gia phải siết chặt hạn chế để ngăn biến thể bùng phát trên diện rộng. Từ châu Mỹ đến châu Âu, không còn không khí Giáng sinh ồn ào, náo nhiệt, không còn những bàn tiệc đông người, những trung tâm mua sắm, cửa hàng chật khách, những đường phố đông vui, nhộn nhịp. Có lẽ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, chưa có một Giáng sinh nào ảm đạm như năm nay.

Ở một khía cạnh khác, đại dịch như một “cú đấm chí mạng” vào nền kinh tế thế giới. Việc các nước buộc phải áp đặt những biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới để khống chế dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới, dẫn tới số người thất nghiệp tăng vọt.

Kinh tế toàn cầu bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo những thành quả to lớn phải gây dựng trong nhiều năm suy sụp. Nếu đúng như nhiều định chế tài chính dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm từ 4,4% đến 4,9% trong năm nay thì nền kinh tế thế giới sẽ phải gánh chịu thiệt hại ở mức 12.000 tỷ USD. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên tới 82.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Dù chưa phải là tính toán cuối cùng, đây vẫn là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu trong vòng 7 thập kỷ qua.

Sự phát triển thành công vắc xin ngừa Covid-19 được cho là tin vui hiếm hoi khép lại một năm khó khăn chồng chất. Thế nhưng Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, tất cả các nước vẫn đang đứng trước một “con dốc dài” và cuộc “leo dốc” khó khăn đang là một thách thức đòi hỏi cả thế giới phải cùng nỗ lực mới có thể vượt qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ Giáng sinh và năm mới 2021: Kỳ nghỉ buồn của thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.