Tối 3-9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và đại diện 11 tỉnh có di sản Then, đại biểu Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.
Ngày 12-12-2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát then - một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương... Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, âm thanh đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chủ tịch nước khẳng định, việc ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc miền núi phía Bắc của Việt Nam, làm cho khu vực này tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút đối với du khách. Đồng thời, giúp đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái và cộng đồng các dân tộc của 11 địa phương có di sản Then nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của Then trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để từ đó có những biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển ngành kinh tế du lịch nước nhà.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bằng tài năng, nỗ lực và cả máu xương, đã sáng tạo, bồi đắp và trao truyền cho con cháu tài sản quý báu này; nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các cấp ủy, chính quyền và nhân dân 11 tỉnh có di sản Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đặc biệt là các nghệ nhân đã có nhiều nỗ lực, chung sức đồng lòng thực hành, truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý giá và độc đáo để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay. Chủ tịch nước cũng trân trọng cảm ơn UNESCO, các Tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, sự giúp đỡ quý báu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; và đặc biệt là ủng hộ, vinh danh di sản rất đặc sắc này của Việt Nam, của nhân loại.
Chủ tịch nước nêu rõ, đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đối với các bậc tiền nhân, tổ tiên người Việt và cả trước cộng đồng quốc tế, với nền văn minh nhân loại. Việc phát huy vai trò và trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà của cả cộng đồng, nhất là cộng đồng người Tày, Nùng, Thái - những chủ thể di sản văn hóa và là người thực hành, trao truyền loại hình di sản đặc sắc này để Then luôn toả sáng xứng đáng với một đất nước anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và ngàn năm văn hiến, để thế giới biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp và giàu bản sắc.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương sở hữu di sản Then quan tâm xây dựng các chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả để thúc đẩy sự gắn bó xã hội, khuyến khích ý thức về bản sắc và trách nhiệm của người dân địa phương trong lan tỏa và thực hành sinh hoạt tại cộng đồng. Cùng với đó, quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân Then truyền dạy về thực hành Then trong cộng đồng; tiếp tục sưu tầm, lưu giữ, xuất bản tư liệu Then cổ; chú ý đến tính đa dạng trong tổng thể của Then ở mỗi dân tộc và mỗi địa phương trong qúa trình bảo tồn và phát triển…
Chủ tịch nước cũng ghi nhận và biểu dương tỉnh Tuyên Quang đã duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội đặc sắc, riêng có, do chính nhân dân Tuyên Quang khởi xướng, duy trì và phát triển từ nhiều năm nay, được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phát triển Lễ hội Thành Tuyên ngày càng đặc sắc, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước, trở thành thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Tại buổi lễ, các nghệ sĩ đã trình diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Để điệu Then còn mãi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.