Ngày 15-8, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) phối hợp Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD).
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cho biết: Ngày 5-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì khẩn trương rà soát kịp thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Các quy định, yêu cầu khắt khe cần được rà soát để bảo đảm an toàn cháy phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời vẫn thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra thuận lợi.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Nguyễn Hồng Hải - đơn vị được Bộ Xây dựng giao trực tiếp lập dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 06, Viện đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo quá trình triển khai, đề ra giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh, sửa đổi Quy chuẩn 06 là cần thiết nhưng không vì tập trung tháo gỡ vướng mắc mà xem nhẹ yếu tố an toàn trong phòng cháy.
Phó Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) Nguyễn Thanh Tú nêu ý kiến, quy chuẩn không được hạ tiêu chuẩn kỹ thuật xuống bởi trong lúc đầu tư thi công xây dựng có thể bỏ kinh phí cao hơn một chút nhưng lại bảo đảm an toàn, còn hơn khi xảy ra sự cố thì hậu quả có thể thiệt hại lớn hơn nhiều và nặng nề hơn nữa là liên quan đến an toàn tính mạng của con người.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) Trần Tuấn Anh cho rằng, trong phòng cháy, chữa cháy thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa cháy” và Quy chuẩn 06 nên chú trọng nội dung này để có thể khống chế ở mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và con người khi xảy ra hỏa hoạn. Do đó, cần tăng cường yếu tố phòng, chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.
Đại diện Ban soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn 06, Tiến sỹ Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cũng nêu một số khó khăn, bất cập khi sửa Quy chuẩn 06 đó là Quy chuẩn này do Bộ Xây dựng ban hành nhưng lại do Bộ Công an thực thi. Trong quá trình thực hiện, khi giao thoa có sự không đồng nhất giữa ý đồ ban hành và khâu thực thi không thể giải quyết hết được. Chưa kể, năng lực thực thi, từ khâu kiểm định, thí nghiệm... cũng có độ trễ so với yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Từ thực tế đó, Ban soạn thảo kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn 06, biên soạn mới hoặc sửa đổi các Tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp. Đặc biệt, các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy ngay từ khi bắt đầu thiết kế; lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.