(HNMO)- Chiều 29-12, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Họp báo triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo).
Các đại biểu tham dự buổi họp báo. (Ảnh: TH). |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở TƯ và ở địa phương. Mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo gồm: lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Người dân quan tâm có thể gửi ý kiến qua trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaonline.quochoi.vn; các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến sẽ được bắt đầu từ ngày 2-1-2013, kết thúc vào ngày 31-3-2013. Ngày 8-1 tới, Uỷ ban sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và có truyền hình trực tiếp triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo.
Trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí tại buổi họp báo, các thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến lần này là kết tinh cả một quá trình lao động của nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân, chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở giữ nguyên những định hướng, nguyên tắc cơ bản, Dự thảo mới nhất đã được nâng cấp, hoàn thiện thêm. Uỷ ban Dự thảo cũng khẳng định, không có “vùng cấm” trong quá trình lấy ý kiến, vì vậy người dân có thể góp ý vào toàn bộ dự thảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.