Sáng 27-9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa phát triển. Tuy nhiên, để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành, các nghị định cần được bổ sung, sửa đổi.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch cũng bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất, nhập khẩu với thị trường quốc tế gia tăng.
Về dự thảo nghị định thay thế, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó trưởng ban soạn thảo cho biết, dự thảo quy định mới xây dựng theo hướng hoàn thiện các điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường, để bảo đảm các tổ chức vận hành thị trường đủ năng lực, phù hợp với quy mô hoạt động hiện nay.
Đồng thời, quy định về tổ chức và hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa; công tác quản lý nhà nước, giám sát, thực thi pháp luật và xử lý sai phạm trong lĩnh vực hoạt động này cũng sẽ được hoàn thiện.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết của quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch.
Các đại biểu đã trao đổi, góp ý về vai trò, vị trí của sở giao dịch hàng hóa trong tương quan với các chủ thể khác; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quản lý hoạt động cấp phép mua bán hàng hóa tại sở giao dịch; quy định, yêu cầu đối với người tham gia thị trường giao dịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.