(HNMO) - Ngày 6-6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì cuộc họp lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo về các rủi ro thiên tai có thể thành thảm họa đối với thành phố.
Tại cuộc họp, các ý kiến của sở, ngành liên quan nhận định: Nếu chủ quan lơ là, các rủi ro do thiên tai có thể trở thành thảm họa đối với thành phố. Đơn cử lĩnh vực tài nguyên và môi trường, sự gia tăng của chất thải rắn, khí thải, nước thải quá lớn, trong khi thiếu phương án xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hoặc cháy công trình, nhà cao tầng, tập trung đông dân cư sinh sống, khi xảy ra cháy sẽ đe dọa tính mạng của người dân. Đặc biệt, các khu dân cư có mật độ dân cao, tồn tại nhiều nhà, công trình cổ, cũ, giao thông nhỏ, hẹp... tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, sập đổ công trình và khó cứu chữa khi xảy ra cháy. Dự báo thời gian tới, do chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan kéo theo mưa lớn trong thời gian dài, bão với cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt trên diện rộng và vỡ đê...
Các ý kiến cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát rủi ro. Trong đó, xác định rõ nguy cơ thông qua hệ thống thông tin cảnh báo nhận diện; định hình bộ máy quản lý điều hành tập trung, tránh tình trạng xử lý theo kiểu tình huống như hiện nay. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bố trí nguồn lực để chủ động ứng phó với thiên tai; khuyến khích tổ chức hỗ trợ quản lý thảm họa, các cơ sở đào tạo, huấn luyện và đơn vị dịch vụ công phục vụ cho phòng, chống, giảm nhẹ thảm họa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng năng lực tự phòng ngừa, ứng phó với thảm họa...
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố gợi ý, ngoài 7 lĩnh vực (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước; vỡ đê, lũ lụt; cháy nổ, đặc biệt là các khu chung cư, khu dân cư cũ, giao thông không thuận lợi cho chữa cháy; sụt đổ công trình cao tầng; tai nạn giao thông nghiêm trọng đường sắt, hàng không; khủng hoảng từ thị trường bất động sản và nhà ở; an ninh mạng) dự báo có khả năng xảy ra rủi ro dẫn đến thảm họa, cần tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia quản lý, nhà khoa học nghiên cứu sâu, đánh giá đầy đủ để có giải pháp ứng phó cụ thể. Sau đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Thành ủy cho ý kiến hoàn thiện báo cáo để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cả hệ thống chính trị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.