Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy thực chất làm thước đo

Đỗ Quỳnh Chi| 18/10/2017 06:50

(HNM) -


Có thể khẳng định, 9 tháng qua, TP Hà Nội đã đạt kết quả toàn diện, tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó được chứng minh từ kết quả dồn điền, đổi thửa qua các giai đoạn đến nay đạt được trên 78,7 nghìn héc ta (103,2%), vượt trên 2.400ha so với kế hoạch thành phố giao. Với việc huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9-2017, đến nay thành phố đã có 3 huyện đạt chuẩn danh hiệu này. 255/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều quan tâm thực hiện các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện "đường có hoa, nhà có số, phố có tên", cưới hỏi, tang lễ văn minh...

Điều đáng mừng là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa đã được chỉ đạo quyết liệt và đến nay đã cấp được 98% số thửa, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất lâu dài…

Những “con số biết nói” trên là không thể phủ nhận, nhưng nhìn tổng thể, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội vẫn còn không ít thách thức. Đó là việc huy động doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Công tác bảo đảm môi trường ở nhiều làng nghề chưa có tiến triển, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Một việc cũng rất cần lưu ý là hiện còn tới 131/386 xã (33%) chưa đạt chuẩn nông thôn mới và đây đều là những xã thuộc diện khó khăn, đòi hỏi các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Đặc biệt, ở những địa phương đã đạt chuẩn, vấn đề là cần phải làm quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy vậy, mỗi nông hộ nếu làm tốt vấn đề này cũng chỉ có thể thành công trên ô thửa của mình và nếu không có sự quản lý, cung cấp thông tin thị trường kịp thời thì rất có thể sẽ rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Trong vấn đề trên, vai trò của các ngành Nông nghiệp, Công Thương là rất quan trọng, cần thể hiện trong việc tham mưu để Chính phủ đề ra những chính sách khả thi thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cánh đồng đến khâu tiêu thụ. Hoặc ít ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán xây dựng các chợ đầu mối nông sản ở những khu vực thật sự hợp lý. Ở đó, nông sản bảo đảm an toàn sẽ được đóng gói, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và tới tận tay người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, chợ dân sinh có kiểm soát…

Khu vực nông thôn Hà Nội hiện có gần 4 triệu người, chiếm trên 50% dân số và 2,2 triệu lao động, chiếm 55,6% lực lượng lao động của thành phố, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.

“Lấy thực chất làm thước đo” - Tinh thần ấy cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của TP Hà Nội từ trước đến nay. Từ đó, đòi hỏi phải có những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện để mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2017 cũng như các năm tiếp theo sớm mang lại lợi ích tốt đẹp, bền vững cho xã hội như mục tiêu đề ra. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy thực chất làm thước đo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.