(HNMO) - Những ngày qua, hình ảnh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Lan Hạ (Hải Phòng) ngập rác trôi nổi, chủ yếu là phao xốp, đang khiến nhiều du khách thất vọng và bức xúc. Hình ảnh đẹp về di sản thiên nhiên thế giới đang ít nhiều bị ảnh hưởng trong mắt khách du lịch.
Trước tình trạng này, cơ quan chức năng của hai vịnh đã phối hợp với nhiều chủ tàu hoạt động trên vịnh, huy động nhân sự vớt rác. Cụ thể, ngày 8-4, UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức ra quân đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển. Ngay sau lễ phát động, thành phố đã huy động 8 tàu và gần 20 xuồng, đò để thu gom rác tại khu vực hòn Dầm Bắc và hang Hồ Động Tiên, khu vực Núi Lượt - Chân Voi - Tùng Lâm.
Trên 90% phao xốp này là do các hộ dân nuôi trồng thủy sản xả ra biển trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; đồng thời gây cản trở việc lưu thông của các tàu, thuyền trên vịnh.
Cùng với chính quyền địa phương, các chủ tàu hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ cũng huy động nhân viên chung tay thu gom rác trên vịnh để nhanh chóng bảo vệ môi trường biển, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của vịnh Hạ Long, Lan Hạ trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Chủ tàu Heritage Bình Chuẩn chia sẻ: “Nhiều khách tham quan Hạ Long và Lan Hạ chứng kiến rác trôi nổi rất nhiều trên mặt vịnh đã vô cùng thất vọng và bức xúc. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì hình ảnh không đẹp này. Vì thế các chủ tàu rất nhiệt tình cùng tham gia thu vớt rác, với hy vọng môi trường biển trên vịnh trở lại sạch sẽ. Có vậy, du khách mới quay trở lại tham quan”.
Trong ngày 9-4, các chủ tàu cùng lực lượng chức năng quản lý của hai vịnh tiếp tục thu gom, vớt rác. Một khối lượng rác, phao xốp khổng lồ đã được nhanh chóng thu gom, tập kết lại.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên khẩn trương và nghiêm túc triển khai các giải pháp. Cụ thể là kiểm soát hiệu quả lượng rác thải phát sinh trong quá trình thực hiện tháo dỡ, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản và kiểm soát nguồn rác thải tại khu vực ven bờ thuộc địa phương quản lý, không để phát sinh ra môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ bè và ngư dân làm phát tán vật tư, phao xốp, bè nuôi trồng thủy sản ra môi trường, ảnh hưởng tới vịnh Hạ Long.
Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Nguyễn Trung Hậu cho biết, đơn vị cũng đề nghị các địa phương huy động lực lượng, phương tiện bảo đảm thu gom triệt để các vật tư, rác thải, phao xốp từ các hoạt động phá dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh cũng đã thuê một doanh nghiệp chuyên vớt rác trên vịnh, cố gắng đảm bảo cảnh quan môi trường cho du khách, nhất là đợt cao điểm du lịch hè 30-4 và 1-5 sắp tới.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều du khách, họ rất thất vọng khi đầu tháng 4, hiện tượng rác trên bề mặt vịnh Hạ Long và Lan Hạ với mức độ nhiều. Số lượng rác chủ yếu là phao xốp do các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn, Cẩm Phả, thành phố Hạ Long xả ra trong quá trình tháo dỡ, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Vụ việc khiến Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gửi Công văn số 273 ngày 5-4-2023 đến Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà, yêu cầu kiểm tra, cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý và nuôi trồng thủy sản, sử dụng phao xốp ở vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ.
Đồng thời, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đề nghị địa phương và các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của khu vực di sản cũng như tránh các tác động không thuận lợi cho việc xem xét hồ sơ di sản "Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" là di sản thiên nhiên thế giới. Hồ sơ dự kiến được UNESCO xét duyệt tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới vào tháng 9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.