Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp

T.Minh| 17/08/2015 21:11

(HNMO)- Chiều 17/8, tại Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã có buổi trao đổi thẳng thắn với báo giới về dự án cải tạo hạ tầng trong khu Phố cổ Hà Nội, trong đó có đề xuất lát đá tự nhiên trên mặt đường tại 11 tuyến phố trong phố cổ Hà Nội.

Tuyến phố Tạ Hiện


Ngày 28-7, quận Hoàn Kiếm đã có văn bản số 772 gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội, bao gồm các phố Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ. Nếu quyết định này được thông qua, thì 11 tuyến phố này sẽ được đổ bê tông và lát đá tự nhiên trên bề mặt. Dự kiến đến năm 2016 dự án sẽ hoàn thành.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Long, năm 2011, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã thực hiện dự án: Cải tạo thí điểm mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện kết hợp với Cải tạo hè, đường phố Tạ Hiện đoạn từ Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ có chiều dài 52m. Bề mặt được lát đá tự nhiên. Đây là dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia thành phố Toulouse (Pháp). Dựa trên nghiên cứu tổng thể hạ tầng, giao thông, cảnh quan, kiến trúc công trình, lịch sử văn hóa và kinh tế xã hội của khu vực. Từ sau khi đoạn phố Tạ Hiện được chỉnh trang nâng cấp, cụ thể là hạ ngầm đường thoát nước, chỉnh trang mái vẩy, mái che…, thì không chỉ bộ mặt của khu vực này thay đổi, mà dịch vụ, kinh tế cùng thay đổi theo. Thí dụ, trước năm 2008, có khoảng 40% hộ dân ở đây kin hdoanh dịch vụ, nhưng sau khi chỉnh trang thì đã có 100% hộ dân. Nhiều người nước ngoài cũng tham gia mở quán bar, hàng ăn… Giá thuê cửa hàng tại phố Tạ Hiện cũng tăng cao hơn so với trước. Về thu ngân sách, quận Hoàn Kiếm tuy có diện tích nhỏ nhất Hà Nội nhưng luôn giữ mức cao, và năm sau cao hơn năm trước.


Nói về dự án cho lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long cho biết thêm, hiện nay, Quận Hoàn Kiếm đang tiến hành lập thiết kế đô thị cho tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy thành tuyến phố thương mại và 06 tuyến phố đi bộ gồm: Tạ Hiện, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ thành tuyến phố ẩm thực. Tuy nhiên, hiện nay Quận Hoàn Kiếm vẫn chưa có các thiết kế chi tiết để dự trù kinh phí. Riêng hạng mục này hiện vẫn đang là ý kiến đề xuất, lấy ý kiến đóng góp rồi mới thực hiện.

Tuy nhiên, tại buổi trao đổi giữa Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội và các phóng viên báo chí chiều 17/8, GS,TS, KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết: “Chúng ta đang vấp phải một hiện thực là bảo tồn một “Di sản sống”, một di sản vẫn đang có “hơi thở” của nó. Vì vậy, phải Bảo tồn – Cải tạo – Phát triển nó. Phố cổ Hà Nội là sự: Cộng sinh dân cư, Công sinh văn hóa, Cộng sinh kiến trúc, Công sinh các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, nâng cấp phố cổ là chuyện bình thường, nhưng phải làm thế nào? Chọn thời điểm nào là thích hợp thì hãy quyết. Theo tôi, cái nào quan trọng hơn thì ưu tiên làm trước. Chẳng hạn như chỉnh trang, nâng cấp, xóa bỏ cảnh sống bệ rạc, xóa bỏ những “tổ người” hình thành hàng chục năm nay trong các căn nhà ở phố cổ, quy hoạch lại quảng cáo…”. GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, muốn làm phải nghiên cứu thật kỹ, tránh bài học “lát đá vỉa hè’ hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: các vỉa hè chỉ được xếp đá lên, khấp khểnh, thò ra thụt vào rất cẩu thả, và điều đó tồn tại cho đến tận bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.