(HNM) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long để có cơ sở quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long, nhằm tích hợp và thống nhất nhu cầu nước của các ngành, hạn chế tác hại do nước gây ra, phối hợp với các tiểu lưu vực khác trong toàn lưu vực Mê Kông.
Đối tượng lập quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên lưu vực sông Cửu Long. Vùng trực tiếp nằm trong quy hoạch, bao gồm 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945km2.
Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm đối tượng sử dụng nước, các tỉnh. Cùng với đó sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước.
Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, chiếm 57% tổng lượng của cả nước với tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm khoảng 500 tỷ mét khối, trong đó có đến 475 tỷ mét khối từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỷ mét khối, chiếm 5% tổng lượng dòng chảy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.