(HNM) - Ngay sau chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Nga ngày 12-10.
Ngoài việc tham dự cuộc họp thường kỳ cấp thủ tướng lần thứ 19 với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trong khuôn khổ chuyến thăm này, Trung Quốc và Nga sẽ ký kết khoảng 50 dự án thương mại, hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại cuộc họp báo ở Mátxcơva. |
Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Nga. Còn Nga là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Trung Quốc. Thương mại hai chiều ước tính vượt mốc 90 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với giá trị thương mại Nga - Mỹ. Trung Quốc và Nga đang phấn đấu làm "tròn số" lên mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng Ukraine ngày một tồi tệ đã làm tổn hại trầm trọng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây và đem lại động cơ xoay trục mạnh mẽ của nước này sang phía Đông. Hiện tại, Nga đang đưa vào hoạt động một hệ thống thanh toán quốc gia chiếm phần lớn thị trường nội địa từ thẻ Visa và MasterCard mà đối tác chính trong hệ thống này là Trung Quốc. Quá trình chuẩn bị hợp đồng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang thị trường Trung Quốc cũng đã được đẩy nhanh và giao dịch có thể sẽ mở rộng về quy mô. Để làm giảm tác động của các biện pháp trừng phạt trong tương lai, Nga bắt đầu thay thế các nhà cung ứng thiết bị, máy móc và nguyên liệu của Châu Âu và Mỹ bằng các nhà cung ứng từ Trung Quốc và Châu Á. Nếu đòn pháp trừng phạt của Mỹ và Châu Âu nhằm vào Nga ngày càng mạnh mẽ hơn, như đã xảy ra với Iran, Trung Quốc sẽ thủ lợi khi trở thành đối tác thương mại trọng yếu của nước này; đồng thời là "cửa sổ nhìn ra thế giới" với nền kinh tế Nga.
Với Trung Quốc - đất nước phải nhập khẩu tới 57% dầu mỏ cùng nhu cầu lớn về hóa chất, gỗ và than đá - trong tương lai không xa, sự thoái hóa đất đai và quá trình đô thị hóa chóng mặt sẽ làm tăng thêm nhu cầu về nông sản. Chưa kể các nhà máy sử dụng than đá đang tạo ra 70% sản lượng điện của Trung Quốc được cảnh báo sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Trong khi đó, cơ hội sử dụng trữ lượng khí đá phiến có thể bị hạn chế do tình trạng thiếu tài nguyên đất và nước ở miền Đông. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng vọt và ngay lập tức Nga sẽ là một nhà cung cấp tiềm năng. Đẩy tới hợp tác với Mátxcơva - cùng gần gũi về địa lý và các hành lang vận tải an toàn trên đất liền - Bắc Kinh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc về năng lượng vào các nhà cung cấp từ Trung Đông và Châu Phi, thoát khỏi sự hạn chế của các tuyến đường biển như Eo biển Malacca.
Bên cạnh lợi ích rõ ràng về dầu khí, Bắc Kinh còn có thể tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung, sau khi Chính phủ Nga trả đũa Châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên EU và dường như các doanh nhân Trung Quốc đã sẵn sàng lấp đầy mọi chỗ trống trên các kệ hàng trong siêu thị Nga từ Mátxcơva đến bán đảo Camchátca...
Không khó khăn để nhận ra rằng, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hoàn toàn có thể tạo nên "giai đoạn vàng" trong quan hệ Nga - Trung ở thế kỷ XXI. Sự gắn kết này được cho là một đối trọng đáng gờm với Mỹ và phương Tây không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả quân sự trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.