(HNM) - Những năm gần đây, nước ta đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mang đến cho người lao động cơ hội việc làm và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
Được đào tạo bài bản sẽ giúp người lao động vững kỹ năng sẵn sàng hội nhập quốc tế. Ảnh: Bá Hoạt |
Không thiếu việc, chỉ thiếu kỹ năng
Tốt nghiệp Khoa Hệ thống Thông tin kinh tế và Thương mại điện tử (Đại học Thương mại), anh Nguyễn Văn Thuấn (27 tuổi), ngõ 84, phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình) ứng tuyển vào một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong hơn 4 năm đi làm, anh Thuấn thay đổi công việc 5 lần vì nhiều lý do. “Những công việc tôi có thể hoàn thành tốt, thì nhận được mức lương không thỏa đáng. Doanh nghiệp nào chấp nhận trả lương cao, họ lại đòi hỏi người lao động phải thích ứng được với nhiều vị trí công việc. Tôi nhận thấy thị trường không thiếu việc làm, nhưng bản thân thiếu một số kỹ năng, cho nên tôi quyết tâm vừa đi làm, vừa đi học thêm để có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc”, anh Thuấn cho hay.
Mặc dù chưa qua đào tạo nghề, nhưng chị Lê Thị Ánh Hồng (22 tuổi), thôn Hội Khê, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vẫn tìm được nhiều công việc ở Thủ đô, hiện là công nhân tại một công ty may ở Khu công nghiệp Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm) với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chị Hồng khẳng định: “Lao động phổ thông chỉ có thể tìm được những công việc giản đơn hoặc theo mùa vụ, không ổn định”.
Ngoài những trường hợp nêu trên, đa số lao động Việt Nam hiện dễ dàng tìm được việc làm. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta đang có 55,64 triệu lao động, trong đó có 54,53 triệu người có việc làm. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh ở lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giảm mạnh ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Dự báo, đến năm 2025, lực lượng lao động ước đạt 63 triệu người và nhu cầu việc làm tăng khoảng 7% mỗi năm. Nguồn lao động dồi dào là yếu tố thuận lợi để thị trường lao động trong nước bứt phá.
Yếu tố thuận lợi khác là lao động Việt Nam ngày càng được thị trường quốc tế ưa thích. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. “Hoạt động xuất khẩu lao động vừa ổn định ở thị trường truyền thống, vừa chinh phục những thị trường mới. Chất lượng lao động Việt Nam từng bước tăng lên”, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường lao động, việc làm nước ta đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương ở thời điểm cuối năm 2018 mới đạt gần 5,9 triệu đồng/người/tháng, thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm lại tập trung ở lực lượng lao động giữ vai trò “xung kích” như thanh niên, lao động có trình độ cao, gây lãng phí về nhiều mặt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 22,22%.
Ngoài ra, thị trường lao động nước ta còn mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ, giữa khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. “Nếu chuẩn bị không tốt các điều kiện để thực hiện những cam kết về lao động, hàng triệu lao động Việt Nam sẽ mất đi cơ hội phát triển hoặc sẽ bị máy móc thay thế”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhấn mạnh.
Tăng kết nối và khả năng thích ứng
Những năm gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, địa phương mở rộng, nâng cấp mạng lưới các sàn, trung tâm giới thiệu việc làm, qua đó kết nối người lao động với thị trường trong nước, quốc tế. Riêng năm 2018, cả nước có khoảng 3 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm. Bà Nguyễn Thúy Phương, Phó Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự (Tập đoàn FLC) cho rằng, tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch việc làm chính thống, doanh nghiệp thường tuyển được lao động phù hợp, người lao động tránh được những rủi ro không đáng có.
Người lao động kết nối với thị trường lao động trong nước, nước ngoài thông qua các sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Minh Ngọc |
Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề. “Trung bình mỗi năm, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 2 triệu người, trong đó có hơn 400.000 người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, bổ sung cho xã hội lực lượng lớn lao động qua đào tạo”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Ngoài những giải pháp đã triển khai, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm nâng cao chất lượng việc làm, qua đây thúc đẩy người lao động nỗ lực hoàn thiện các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Từ góc độ người sử dụng lao động, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chỉ rõ, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề tiền lương, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Còn ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhắn nhủ, người lao động cần nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tích cực bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách về thị trường lao động, dự báo chính xác những thay đổi của thị trường việc làm, từ đó điều chỉnh hoạt động đào tạo nghề theo sát nhu cầu thị trường. Đặc biệt, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu hướng phát triển.
Có thể thấy, trong thời kỳ hội nhập, thách thức và cơ hội dành cho lao động Việt Nam luôn song hành. Để thách thức chuyển thành cơ hội, ngay từ bây giờ, người lao động và các cơ quan chức năng cần chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động bằng nhiều giải pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.