(HNMO) - Ngày 10-6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thông tin, lao động trẻ em toàn cầu đang gia tăng kỷ lục do tác động của dịch Covid-19. Hiện nay, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu trẻ, tăng 8,4 triệu trẻ so với cùng kỳ năm 2017 và hàng triệu trẻ em khác đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em.
Việc phải tham gia lao động sớm khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần, bị tước đi cơ hội học tập, hạn chế quyền và những cơ hội tương lai của trẻ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cần quan tâm hơn, 70% lao động trẻ em đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ).
Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn cao gấp 2,8 lần khu vực thành thị. Số lao động là trẻ em có độ tuổi còn nhỏ và không được đi học chiếm tỷ lệ khá cao với 28% số trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 11 và 35% trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi.
Dự báo, đến cuối năm 2022, số lao động là trẻ em sẽ tăng thêm khoảng 9 triệu trẻ. Thực trạng này làm gia tăng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em ở khu vực thành thị và nông thôn; đồng thời, tiếp tục tác động đến nhiều vấn đề an sinh xã hội cần quan tâm giải quyết.
Để hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em, ILO kêu gọi các quốc gia nỗ lực cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, các quốc gia cần tăng mức chi cho giáo dục có chất lượng, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được đi học trở lại; nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành, giúp các gia đình không phải sử dụng trẻ em để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho hệ thống bảo vệ trẻ em cần được tăng cường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.