Một lần nữa, những thông tin liên quan đến cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Ngõ Ba (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) lại thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi chỉ có người đấu giá thành công của 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, trong tổng số 68 thửa đất trúng đấu giá.
Trước đó (ngày 10-8-2024), kết quả đấu giá ở khu vực này đã khiến thị trường “lên cơn sốt” khi mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Một lô đất ở vị trí “đắc địa” có giá trúng cao nhất là 100,5 triệu đồng/m².
Đáng lưu tâm là 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính đều có giá trúng từ 51,6 triệu đồng đến hơn 55 triệu đồng/m²; còn những lô đất bị bỏ cọc đều có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m².
Như vậy, những thông tin dư luận đồn đoán, từng “dậy sóng” ngay sau cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Ngõ Ba hoàn thành, là “có thể có người bỏ cọc” và giá cao làm “nhiễu loạn thị trường” phần nào đã thành sự thật. Thực tế, việc giao dịch đất trong khu vực này đã trở nên khó khăn hơn khi giá đất thiết lập một mặt bằng mới. Sau cùng, những người có nhu cầu thực phải chịu thiệt, khó lòng mua được vì giá đất đã bị đẩy lên mức “ảo”.
Rõ ràng, những vấn đề nêu trên cần được cơ quan chức năng và các địa phương nhìn nhận một cách thấu đáo. Bởi sau cuộc đấu giá tại khu Ngõ Ba cũng từng có cuộc đấu giá ghi nhận kỷ lục về số người tham gia và giá trúng diễn ra ở huyện Hoài Đức. Và hiện nay, một số địa phương ngoại thành Hà Nội cũng đã, đang có kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Thực tế, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả tốt đã góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và có hiện tượng bỏ cọc như ở khu Ngõ Ba có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề hiện nay nằm ở việc xác định giá khởi điểm và số tiền đặt cọc phù hợp mặt bằng thị trường. Cùng với đó là áp dụng công cụ thuế một cách phù hợp, sao cho việc tính thuế, phí dựa trên giá đấu trúng để hạn chế đầu cơ và giúp ổn định thị trường.
Ở tầm vĩ mô hơn, các cơ quan, đơn vị chức năng cần rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Cùng với đó, từ thực tế đấu giá quyền sử dụng đất trong bối cảnh hiện nay, cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện các bất cập về thể chế để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung.
Ngoài ra, các địa phương cần sớm nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường cung - cầu nhà ở, bất động sản, từ đó chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất giải pháp hạn chế tác động tiêu cực (nếu có).
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định, chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản. Đây là công cụ quan trọng để ngăn chặn đầu cơ, "thổi" giá đất, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.