Những trang sử hào hùng
Tới dự có đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện một số bộ, ngành trung ương.
Lãnh đạo TP Hà Nội dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Đến dự gặp mặt còn có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Đại diện chiến sĩ cách mạng ở 14 nhà tù tại Hà Nội; Nguyễn Văn Triển, Trưởng đại diện Trại giam Phú Quốc TP Hà Nội và trên 300 chiến sĩ và thân nhân chiến sĩ cách mạng TP Hà Nội từng bị địch bắt tù đày tại nhà giam Phú Quốc.
Buổi gặp mặt là hoạt động thiết thực nhằm thể hiện tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, không lùi bước trước mọi cực hình tra tấn, quyết giữ vững phẩm chất, khí tiết người chiến sĩ cách mạng - trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao cả cho nền độc lập tự do của đất nước, vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Những trang sử hào hùng
Tồn tại từ tháng 6-1967 đến tháng 3-1973, trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc đã giam giữ hơn 40.000 lượt chiến sĩ cách mạng. Tại đây, nhiều chiến sĩ đã bị giam cầm trong các nhà đá, bị đánh đập tra tấn dã man (dùng que thép nung đỏ xuyên vào bắp thịt, bẻ răng, rút móng tay, nhốt “chuồng cọp” …). Không khuất phục trước những đòn tra tấn tàn bạo, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm, các chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững ý chí; biến nhà tù thành trường học, thành lập các tổ chức Đảng, đoàn, hội đồng hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, giáo dục đạo đức cách mạng ngay trong chính trại giam; tập thể dục, làm thơ, học Di chúc của Bác; tổ chức vượt ngục bằng nhiều hình thức, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ địch.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc đang sinh sống. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, song dù ở hoàn cảnh, cương vị nào, nhiệm vụ nào, các chiến sĩ vẫn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công tác, sản xuất, lao động và sinh hoạt ở địa phương.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc như ông Lâm Văn Bảng (đại biện Ban liên lạc), Đào Đức Biên (ở huyện Gia Lâm), Lê Thiên Tích (ở huyện Ba Vì) đã ôn lại những kỷ niệm một thời đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ và tự hào tại trại giam Phú Quốc; nêu một số kiến nghị với thành phố.
Lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ngày trở về từ “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc đã trở thành sự kiện quan trọng, ghi dấu ấn không phai mờ trong ký ức của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng.
Ôn lại những trang sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ tình cảm trân trọng, sự biết ơn sâu sắc với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc nói riêng, với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày nói chung, đã chiến đấu anh dũng, dâng hiến cả cuộc đời, tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, với tinh thần học tập nêu gương của các thế hệ đi trước, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm, hiệu quả, nói đi đôi với làm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô ra sức thi đua, phấn đấu tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Thành phố đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và thanh niên xung phong sống cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tổ chức điều dưỡng luân phiên hai năm/lần; tổ chức cấp vé xe buýt miễn phí cho các đối tượng thương binh, bệnh binh và người có công...
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Hoàng Trung Hải, Thủ đô còn nhiều việc phải làm và cần phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với những thế hệ đi trước. Đồng chí nêu rõ: “Đảng bộ và nhân dân Thủ đô nguyện kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.” Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ban đại diện, ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày triển khai tốt các hoạt động, phong trào thi đua nhằm khơi dậy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, lan tỏa các nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Thủ đô. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Thủ đô về lòng quả cảm, tinh thần kiên trung, bất khuất trong đấu tranh; nghị lực, ý trí vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống đời thường của các thế hệ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại các nhà tù nói chung, tại trại giam Phú Quốc nói riêng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã trả lời các kiến nghị của đại diện các chiến sĩ cách mạng tại buổi gặp mặt như về tổ chức đoàn đi dự gặp mặt tại Phú Quốc, nâng cao chế độ trợ cấp, điều dưỡng, ưu tiên trong khám chữa bệnh... Đồng chí tin tưởng, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc từ trải nghiệm thực tiễn qua các cuộc đấu tranh và trong cuộc sống, tiếp tục tích cực tham gia giáo dục truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại..
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.