Ngày 26-8, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí về một khoản quỹ khẩn cấp trị giá 20 triệu USD nhằm cứu rừng Amazon ở Brazil, nơi đang hứng chịu trận cháy kinh hoàng.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết, nước này sẽ chi 10 triệu bảng Anh (12,3 triệu USD) để khôi phục rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá trong các vụ cháy rừng và gây lên làn sóng lo ngại trên toàn cầu.
Trong tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 tại thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp, Chính phủ Anh cho biết sẽ phê duyệt ngay lập tức khoản tiền trên để giúp khôi phục quần thể và môi trường sống ở rừng Amazon, trong đó có những khu vực bị tàn phá bởi các vụ cháy rừng.
Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Trong một tuần qua, chúng ta đã bàng hoàng chứng kiến tận mắt rừng nhiệt đới Amazon bị cháy. Chúng ta không thể trốn chạy thực tế về mức độ tàn phá mà chúng ta đang gây ra cho thế giới tự nhiên". Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh điều cần thiết đối với cộng đồng quốc tế là giải quyết những vấn đề về môi trường do biến đổi khí hậu gây ra và sự biến mất của đa dạng sinh học.
Ông nêu rõ: "Không thể chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu mà không bảo vệ môi trường tự nhiên và chúng ta không thể khôi phục được môi trường tự nhiên trên toàn cầu nếu không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu".
Chủ trương tăng cường các nỗ lực giúp ứng cứu rừng nhiệt đới Amazon cũng nhận được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo G7. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ hỗ trợ "càng nhanh càng tốt" cho các nước bị ảnh hưởng do những trận cháy lan rộng tại rừng Amazon.
Phát biểu với báo giới ngày 25-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Chúng tôi đều nhất trí giúp đỡ càng sớm càng tốt cho các nước bị ảnh hưởng bởi cháy rừng". Trước thềm hội nghị thượng đỉnh chính thức, Tổng thống Macron đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận khẩn cấp về tình trạng cháy rừng đang lan rộng tại rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và đưa ra cam kết "các biện pháp cụ thể" nhằm giải quyết vấn đề này.
60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Do nhiều đám cháy rừng bùng phát tại vùng rừng Amazon giáp ranh giữa Brazil và Bolivia đã khiến khói đen bao trùm toàn bộ vùng trời tại đây. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 25-8 cho biết, ông sẽ chấp thuận sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong hoạt động chữa cháy rừng Amazon.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), tính đến ngày 24-8, trên cả nước Brazil ghi nhận 78.383 vụ cháy rừng - cao nhất kể từ năm 2013. Hơn một nửa số này xảy ra ở Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật. Do đó, giới khoa học, chuyên gia môi trường đặc biệt quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của thảm họa cháy rừng lần này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.