(HNMO)- Vo Thượng là tên Nôm của làng Nông Vụ Thượng, vốn từ làng Vo- một làng cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống, hình thành từ thời Hùng Vương thứ sáu, sau phát triển thành làng lớn tách ra thành ba làng (Thượng, Trung, Hạ).
|
(HNMO)- Vo Thượng là tên Nôm của làng Nông Vụ Thượng, vốn từ làng Vo- một làng cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống, hình thành từ thời Hùng Vương thứ sáu, sau phát triển thành làng lớn tách ra thành ba làng (Thượng, Trung, Hạ).
Đến đầu thế kỷ XIX, Nông Vụ Thượng là một thôn của xã Nông Vụ thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Đến đầu thế kỷ XX, cả ba thôn tách ra thành các xã độc lập. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, các làng Vo (Nông Vụ - Thượng, Trug, Hạ) đều là những làng nhỏ (năm 1928, cả ba làng chỉ có 1714 nhân khẩu).
Thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nông Vụ Thượng (cùng các làng Trung, Hạ) nằm trong một xã lớn mang tên Toàn Thắng, huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên, sau đó thuộc xã Trường Chinh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Làng Vo Thượng và Vo Trung sáp nhập thành thôn Thượng Đồng. Sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), xã Trường Chinh chia nhỏ thành nhiều xã, trong đó có xã Hội Xá, gồm các làng : Hội Xá, Nông Vụ (Đông, Thượng, Trung). Từ tháng 6 - 1961, xã Hội Xá cùng các xã trong huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Tháng 11 - 2003, thành lập quận Long Biên, xã Hội Xá được chuyển thành phường và đổi tên Phúc Lợi.
Cũng như ở hai làng khác tách ra từ làng Nông Vụ, dân làng Nông Vụ Thượng sống bằng nông nghiệp (cấy lúa trong đồng, vừa trồng màu trên đất bãi). Nghề phụ có làm quạt để quạt thóc, gạo, được bán không chỉ ở các chợ trong vùng mà còn ở phố Hàng Quạt (nội thành Hà Nội). Xa xưa làng còn có nghề trồng dâu nuôi tằm.
Làng Nông Vụ Thượng hiện còn ngôi đình được dựng từ lâu đời. Đình thờ Trịnh Chính - người anh cả của ba anh em nhà Trịnh đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí, lập ra nước Vạn Xuân giữa thế kỷ VI. Theo thần phả và lưu truyền dân gian, Trịnh Chính cùng người em gái là Quốc Nương và em trai (Trịnh Trí) là con của ông Trịnh Doan và bà Nguyễn Thị Kim quê ở Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), làm nghề buôn bán đường sông. Bà Kim vừa sinh ra ba người con thì mất. Ông Doan tần tảo đi buôn nuôi đàn con. Một ngày nọ, thuyền của mấy bố con ngược sông Thiên Đức, đoạn qua trang Nông Vụ thì bị sóng dữ đánh vỡ. Người bố qua đời, ba người con nằm trên ván thuyền dạt vào bờ Nam, được dân trang Nông Vụ đem về nuôi. Người anh cả (Trịnh Chính) sống ở thôn Thượng (khi đó còn là xóm nhỏ), người con gái (Quốc Nương) sống ở xóm Trung, còn người em trai thứ ba (Trịnh Trí) sống ở xóm Hạ. Năm 540, khi Lý Bí dấy binh đánh đuổi giặc Lương, có lần đi qua trang Nông Vụ, ba anh em ra yết kiến, được Lý Bí thu nạp và giao cho tổ chức đánh giặc ngay tại quê nhà. Ba anh em đóng đồn Thượng, Trung, Hạ tại ba thôn của trang Nông Vụ, lập được nhiều chiến công, góp phần đánh đuổi giặc Lương, lập ra nước Vạn Xuân độc lập. Sau lễ mừng công, hai anh em Trịnh Chính, Trịnh Trí hóa trong cơn mưa giông, người em gái (Quốc Nương) viếng các anh xong cũng hóa theo. Dân làng thương tiếc lập đền thờ. Về sau, làng Thượng thờ Trịnh Chính, làng Trung thờ Trịnh Trí, còn làng Đông (Hạ) thờ Quốc Nương. Hàng năm, làng mở hội vào ngày 12 tháng Hai là ngày sinh chung của các vị thần. Đình của các thôn dựng lên để thờ các vị thần này. Tuy nhiên, thời điểm dựng đình làng Thượng không xá định rõ vì đình cùng phần lớn các di vật bên trong đã bị thực dân Pháp đốt phá. Dân làng phải rước bài vị thành hoàng về thờ ở chùa. Tuy nhiên, đến nay, dân làng vẫn còn giữ được 9 đạo sắc phong cho thần, trong đó, đạo sớm nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (Đinh Hợi, 1767). Về sau, dân làng dựng lại đình để thờ. Năm 2000, dân làng đã góp tiền của dựng lại ngôi đình gồm 1 gian 2 chái theo kiến trúc cổ và rước bài vị thần về để thờ.
Làng còn có ngôi chùa mang tên “Hiển Ứng tự” (dân làng thường gọi là chùa Thượng Đồng) nằm bên bờ sông Đuống, nhìn hướng Đông - Nam. Chùa gồm các bộ phận : Tam quan, Tiền đường, Thượng điện và nhà tổ. Trong khu vực chùa còn lưu 3 tấm bia cổ quý giá có niên hiệu : Khánh Đức thứ năm (Quý Tỵ, 1653), Chính Hòa thứ 14 (Quý Dậu, 1693) và Chính Hòa 17 (Bính Tý, 1696) ho phép khẳng định, vào giữ thế kỷ XVII, chùa Hiển Ứng là ngôI chùa cổ, có quy mô bề thế, to đẹp ở bờ Nam sông Đuống. Trên gác chuông còn quả chuông đúc năm Thiệu Trị thứ năm (Ất Tỵ, 1845).
Cả đình và chùa Nông Vụ Đông đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1993.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính