(HNM) - Người dân xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) rất yêu thích bộ môn vật. Đây cũng là địa phương duy trì đều đặn “Hội Vật truyền thống mùa xuân” được tổ chức thường niên vào mùng 4 Tết Nguyên đán.
Rộn ràng trống vật đầu xuân
Đã thành thông lệ, cứ vào chiều mùng 4 Tết hằng năm, sới vật nằm ngay chân đê hữu Hồng của xã Hồng Hà lại thu hút rất đông đô vật các nơi tới so tài. Tiếng trống vật liên hồi giục giã, thôi thúc hàng nghìn người hâm mộ kéo về sân vật chứng kiến màn tỉ thí của các đô vật. Tiếng “bình luận viên” được phát trực tiếp trên loa truyền thanh càng khiến sới vật thêm rộn rã. Có lẽ nhờ phong trào thể thao này mà ngày Tết nơi đây dường như kéo dài hơn so với những làng quê khác trong vùng.
Thi đấu tại sới vật xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. |
Xuân Mậu Tuất 2018, Hội Vật truyền thống mùa xuân của xã Hồng Hà chính thức khai mạc từ ngày mùng 4 và kéo dài tới mùng 7 Tết. Năm nay, giải vật của xã tranh đấu với 2 hệ thống giải gồm: Giải vật thiếu niên (dành cho cả nam và nữ từ 12 đến 15 tuổi) và Giải vật thanh niên mở rộng (từ 16 tuổi trở lên). Vật truyền thống ở xã Hồng Hà không phân biệt độ tuổi, hạng cân, chiều cao, trình độ. Bất kỳ ai có sức khỏe và yêu thích đều có thể đăng ký dự giải. Ngoài các trai làng, gái làng, những năm gần đây, Ban tổ chức Hội Vật truyền thống xã Hồng Hà còn đón tiếp nhiều vận động viên chuyên nghiệp về thi đấu, đua tài...
Với tinh thần thượng võ - “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, người dân Hồng Hà rất ham mê môn đấu vật. Ông Nguyễn Văn Vinh (làng Bá Dương Nội) cho biết, đấu vật ở xã Hồng Hà hình thành từ thời nào đến nay không ai rõ. Chỉ biết rằng, từ những năm 1960 ông đã đi xem vật. Đặc biệt, vào dịp xuân hội, các cụ trong làng lại tổ chức treo giải cho người thắng cuộc. Vào thập niên 1970-1980, nhiều đô vật: Phạm Như Thái, Phạm Văn Tứ, Nguyễn Hữu Kết, Phạm Văn Quế, Phạm Ngọc Hùng, Phạm Quang Sơn, Nguyễn Văn Hà… từng nổi tiếng là những đô vật giỏi, “đánh bại” đối thủ từ các huyện, tỉnh khác về thi đấu ở sới vật làng. Còn theo Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà Phạm Văn Quế, khoảng năm 1970-1972, ông đã đi đấu vật và đoạt được nhiều giải thưởng...
Không giống vật hiện đại, vật truyền thống có thể lệ thi đấu riêng. Cách “chấm điểm” cho người thắng cuộc là người khiến đối phương phải “lấm lưng, trắng bụng” hoặc nhấc bổng đối phương. Trên sới vật, để đủ điều kiện được vào “phá giải” nhất, nhì, ba..., các đô vật phải tranh các “giải lèo” bằng cách thắng liền 2 “keo” liên tiếp. Sau khi cấp khoảng 20 lèo, Ban tổ chức mới tiến hành cho “phá giải”... Trong quá trình thi đấu, đô vật nào không chấp hành hiệu lệnh của trọng tài, tự ý rời khỏi sới, thi đấu không nhiệt tình hay chạy khỏi sới 3 lần sẽ bị các hình thức kỷ luật từ phê bình đến truất quyền thi đấu...
Những người “tiếp lửa”
Là người nhiều năm gắn bó với phong trào vật võ ở địa phương, ông Phạm Văn Quế cho biết, thi đấu vật hiện nay có điểm khác trước. “Ngày xưa, chỉ cần khỏe, có sức mạnh là có thể thắng. Nhưng bây giờ khỏe mà không có kỹ thuật cũng vẫn... thua. Có những anh không tập thường xuyên, không có kỹ thuật, khỏe đến mấy thì cũng chỉ được vài phút “vần” nhau là mệt nhoài, không làm gì được. Do vậy, đòi hỏi các đô vật phải học hỏi, tập luyện thường xuyên” - ông Quế cho biết.
Để duy trì truyền thống và “tiếp lửa” cho phong trào vật võ quê hương, năm 2012, xã Hồng Hà đã thành lập Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà. Nòng cốt là những người đam mê vật, trong đó không ít người đã bước vào tuổi “lục tuần”, có tâm huyết muốn truyền đam mê, sở thích và bồi dưỡng kỹ thuật vật cho thế hệ trẻ. Câu lạc bộ đã đề nghị với Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Hồng Hà cùng tuyển chọn những thiếu niên độ tuổi từ 10 đến 12, có năng khiếu vật. Sau đó, gặp gỡ gia đình các em để vận động, thuyết phục đưa các em vào Câu lạc bộ tập luyện mỗi khi tan học. Để trang bị kỹ thuật, Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà đã đón giáo viên tại các trung tâm thể dục thể thao về hướng dẫn cho các em. “Trọng tinh thần yêu vật võ của người dân xã Hồng Hà nên những giáo viên đến từ bộ môn Vật - Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình và không bao giờ nhận thù lao” - ông Quế cho biết.
Trong những năm qua, nhiều vận động viên vật được “ươm mầm” tại Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà đã đạt thành tích rất cao trong thi đấu như: Đô vật Phạm Như Kiên (sinh năm 2000) giành Huy chương bạc Giải trẻ Đông Nam Á và Vô địch Giải Vật tuổi dưới 15 khu vực Hà Nội. Các vận động viên như: Đỗ Văn Thành, Lê Quang Lâm, Phạm Quang Hà... nhiều lần giành Huy chương vàng, bạc trong các giải vật trong nước..., đưa Hồng Hà trở thành điểm sáng trong phong trào vật võ của Thủ đô Hà Nội. Hiện Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà đang gửi 8 cháu đi tập huấn ở Trung tâm Thể dục thể thao của Bộ Công an; bộ môn Vật - Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội nhằm chuẩn bị tham gia Giải Vật dân tộc thành phố...
Vui mừng khi chứng kiến các vận động viên vật của làng trưởng thành, đạt thành tích cao trong thi đấu, nhưng Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật xã Hồng Hà Phạm Văn Quế vẫn không giấu được suy tư: “Câu lạc bộ thành lập không vì mục đích kinh doanh, không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Bản thân các thành viên sáng lập Câu lạc bộ vẫn “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng” dạy vật miễn phí cho các em nhỏ. May mắn, phong trào vật võ ở địa phương luôn được nhân dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quan tâm, tài trợ kinh phí để duy trì hoạt động. Có lẽ nhờ những tình cảm đó mà phong trào vật võ ở xã Hồng Hà luôn phát triển rất mạnh. Nhưng về lâu dài cũng vẫn khá lo...".
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà: Trên sới vật xã Hồng Hà trong gần 60 năm qua đã tổ chức nhiều giải vật lớn như: Giải Vật quốc tế năm 1986 quy tụ các đô vật của nước Cộng hòa Uzbekistan, Ukraine...; Giải Vật toàn quốc 1997; Giải Vật TP Hà Nội mở rộng năm 2014. Tại các giải đấu, vận động viên của xã Hồng Hà đã đoạt được 10 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng. Các đô vật xã Hồng Hà cũng đã tham gia tranh tài ở nhiều tỉnh, thành khác như: Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang... đều đạt thành tích cao. Tại Hội vật truyền thống Xuân Mậu Tuất 2018, xã Hồng Hà thu hút được nhiều câu lạc bộ vật từ tỉnh bạn và Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Quân đội về thi đấu. Đây là cơ hội để các đô vật làng được cọ xát, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật... tạo nền tảng cho môn thể thao này phát triển lên tầm cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.