Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Sét

HONGHAI| 15/02/2004 10:10

Làng Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét. Tên cổ nhất của làng ở thế kỷ XV là Cổ Liệt. Xa xưa, Thịnh Liệt có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Về sau, do bất đồng trong việc tổ chức đình đám, Giáp Cửu tách thành xã riêng, chính là làng Phương Liệt (Vọng). Thịnh Liệt còn lại 8 giáp, sau tách thành 8 làng riêng...

Làng Sét ngày nay.
Ảnh: Phương Thảo

Làng Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét. Tên cổ nhất của làng ở thế kỷ XV là Cổ Liệt. Xa xưa, Thịnh Liệt có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Về sau, do bất đồng trong việc tổ chức đình đám, Giáp Cửu tách thành xã riêng, chính là làng Phương Liệt (Vọng). Thịnh Liệt còn lại 8 giáp, sau tách thành 8 làng riêng, lấy tên giáp gọi cho tên làng là : Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tam v.v...

Mỗi giáp - làng đó có một họ chính, đông đinh. Vì thế, tên họ được gọi luôn cho tên giáp: Giáp Nhất được gọi là Bùi Tây; Giáp Nhị - Bùi Đông; Giáp Tam - Đỗ Trung; Giáp Tứ - Đỗ Nội; Giáp Ngũ - Đỗ Ngoại; Giáp Lục - làng Sét; Giáp Thất - Lê thôn...
Đầu thế kỷ XX, chỉ còn lại Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ; Giáp Lục và Giáp Bát vì Giáp Tam và Giáp Ngũ nhập vào Giáp Nhị, Giáp Thất nhập vào Giáp Bát. Năm thôn này được nâng lên thành 5 xã độc lập, cùng với xã Tương Mai hợp thành tổng Thịnh Liệt, còn gọi là tổng Sét, huyện Thanh Trì.

Sau năm 1954, 4 thôn: Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ và Giáp Lục thuộc xã Đoàn Kết; còn Giáp Bát thuộc xã Hoàng Văn Thụ. Đến năm 1961, xã Đoàn Kết, gồm cả Giáp Bát thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1964, xã Đoàn Kết đổi tên thành Thịnh Liệt. Năm 1973, Giáp Bát cắt về tiểu khu (từ năm 1981 là phường) Giáp Bát, Giáp Lục thuộc phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng. Từ đó đến nay, Thịnh Liệt chỉ còn 3 thôn Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ, nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Thịnh Liệt cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía Tây Nam. Giao thông đường thuỷ trước đây của vùng Sét khá thuận tiện nhờ hệ thống các sông : Tô Lịch, Sét Lừ, Kim Ngưu bao quanh. Trước đây, sông Sét còn thông với sông Tô Lịch. Thuyền bè vẫn qua lại trao đổi hàng hoá được và thời Lê - Trịnh, thuyền rồng của vua chúa dạo chơi có thể từ Hồ Tây về đến Thịnh Liệt. Sông Sét còn thông với sông Lừ, đưa hàng hoá từ vùng chợ Đại - Cống Thần ở Sơn Nam Hạ đến chợ Dừa (ngoài cửa ô Thịnh Quang) và có thể thông với sông Kim Ngưu chảy về phía Đông, qua xóm Bến làng Hoàng Mai ra sông Hồng, tạo nên nhiều ao, hồ, đầm... Sử cũ nhiều lần nhắc tới đầm Thịnh Liệt (còn gọi là đầm Đại) cạn khô nước, chứng tỏ, đầm này chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế nông nghiệp của vùng, ảnh hưởng đến cả mặt tâm linh, không chỉ với cư dân trong vùng mà với cả triểu đình.

Về đường bộ, vùng Sét (địa phận Giáp Nhất) nằm trên tuyến đường “Thiên lý”, “Đường cái quan” (nay là Quốc lộ 1), là đường giao thông Bắc - Nam chính trước đây.

Với vị trí trọng yếu trên đây, Thịnh Liệt còn có những lợi thế để phát triển kinh tế. Xưa dân làng chủ yếu sản xuất và chế biến nông phẩm, cung cấp cho dân nội thành. Chợ Sét thuộc Giáp Lục ở giữa làng, là chỗ thuyền buôn bán các loại nông sản từ chợ Đại đưa lên.

Làng Sét trước đây có ngôi đình chung ở Giáp Bát thờ thành hoàng là thần Tam lang và ngôi chùa chung ở Giáp Lục. Sau này khi tách riêng thành các làng thì mỗi giáp xây đình riêng, vẫn thờ thần Tam lang và thờ thêm những vị thần của mỗi thôn, ví dụ, Giáp Lục đã đưa tổ nghề của mình là Nguyễn Chính vào thờ trong đình và tôn làm Thành hoàng làng; Giáp Nhị thờ Lão tử; Giáp Tứ thờ Ngũ vị thần cùng với Tam lang; Giáp Nhất thờ Ngũ vị thần và Hắc Y tướng quân; Giáp Thất thờ Ngũ vị thần. Riêng Giáp Bát có 2/3 dân theo Công giáo, có nhà thờ, còn lại 1/3 là dân thờ thần, Phật.

Hàng năm các làng - giáp ở Thịnh Liệt vào đám chung từ ngày 13 đến 16 tháng 2 âm lịch, rước thần cùng tập trung ở chùa Sét, tục gọi là chùa Bà Chúa để nhớ ơn tu bổ của bà chúa họ Lê và họ Đặng. Trước đây, khi còn đủ cả 9 Giáp, vào đám “rước chạ”, tập trung ở Nghè bên Giáp Ngũ, cả chín giáp phải phục dịch. Giáp Nhất làm trưởng có quyền đánh trống ra hiệu lệnh mở cửa đình và sắp đặt công việc; Giáp Cửu sửa soạn kiệu; Giáp Bát chuẩn bị cờ quạt, khiêng trống, các giáp khác có phần việc đã phân công về tế lễ.

Bên cạnh những đặc điểm chung, mỗi làng - giáp ở Sét có một đặc điểm riêng về kinh tế, xã hội, tính cách, phong thái, tục lệ ... sẽ lần lượt được trình bày trong các bài viết sau.

TS. Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Sét

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.