Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Ngọc Trì

TUYETMINH| 26/02/2008 15:54

(HNMO)- Làng Ngọc Trì tên Nôm là làng Đìa, nguyên nghĩa là “Ao ngọc”, một vùng đất xưa có nhiều ao, hồ, đầm nằm ven sông Hồng. Tên Nôm của làng cũng như xóm Đìa hiện còn như là một chứng tích, dù rằng, ngày nay làng đã bị đô thị hóa rất mạnh.

(HNMO)- Làng Ngọc Trì tên Nôm là làng Đìa, nguyên nghĩa là “Ao ngọc”, một vùng đất xưa có nhiều ao, hồ, đầm nằm ven sông Hồng. Tên Nôm của làng cũng như xóm Đìa hiện còn như là một chứng tích, dù rằng, ngày nay làng đã bị đô thị hóa rất mạnh.


Ngọc Trì là một làng nhỏ, nên từ xưa đến tháng 8 - 1945 là một thôn của xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (từ năm 1831 trở về trước là trấn Kinh Bắc). Đến đầu thế kỷ XX vẫn là một thôn độc lập thuộc tổng Cự Linh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Ngọc Trì nằm trong một xã lớn mang tên Phi Trường, huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên (từ năm 1949 lại cắt về tỉnh Bắc Ninh). Sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), xã Phi Trường được chia thành ba xã : Cự Khối, Long Biên và Thạch Bàn. Xã Thạch Bàn gồm các thôn (làng cũ) : Ngọc Trì, Cầu Bây, Cự Đồng, Ngô Thôn và Thượng Hội thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 5 - 1961, xã Thạch Bàn cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội Tháng 11- 2003, xã Thạch Bàn được chuyển thành phường, thuộc quận Long Biên mới được thành lập. Làng Ngọc Trì nay là tổ 7 của phường.
Làng Ngọc Trì có một di tích rất nổi tiếng là đền Trấn Vũ ở ngay ven đê. Đền được dựng trên thế đất “Quy Xà” (Rùa- Rắn- một yếu tố sông nước), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - vừa thể hiện việc tôn sùng yếu tố sông nước, vừa mang yếu tố của Đạo giáo. Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, nhìn chung đều là thần của Đạo giáo, là biểu tượng cho mùa Đông, có sứ mệnh dẹp trừ yêu quái, trấn giữ phương Bắc (vì thế, các đền hay quán thờ Thần thường nhìn hướng Bắc), bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Thần thường ngồi trên gò Kim Quy. Quanh vùng Hà Nội có đền Trấn Vũ (hay Trấn Vũ quán) ở Hồ Tây, Huyền Thiên Đại quán ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) và Huyền Thiên Cổ quán ở phường Đồng Xuân.

Đền Trấn Vũ ở làng Ngọc Trì chưa rõ được dựng từ bao giờ. Bia về sự tích của Thần dựng năm Mậu Thìn đời Bảo Đại (năm 1928) khẳng định có từ thời Thục An Dương Vương - thế kỷ III trước Công nguyên (?) và Thần đã được phong là Thượng đẳng thần. Thế kỷ XV, Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) có lần đi chinh phạt phương Nam đã đóng quân ở xã Cự Linh, được Thần ứng mộng nên cho dựng đền, tạc tượng gỗ để thờ, bài vị có ghi chữ vàng “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đến thế kỷ XVII, đền được sửa lại mà dấu tích có thể nhận biết được qua tấm bia “Cự Linh tự Trấn Vũ quán trùng tu bi ký”, tuy nội dung bia và dòng lạc khoản bị mờ nhưng trán và diềm bia mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Đến năm Mậu Thân đời Vua Lê Hiển Tông (năm 1788), tượng gỗ bị hỏng, triều đình lệnh cho quan viên cùng sắc mục làng Ngọc Trì đúc tượng đồng. Sự kiện này được phản ánh trong một tấm bia khác còn lưu trong đền. Đến năm Nhâm Thân đời Bảo Đại (năm 1932), sửa lại tượng và Thượng cung, các năm sau lần lượt sửa Trung cung và Tiền đường, đến năm thứ 13 (năm 1938) thì hoàn thành. Như vậy, các bộ phận hợp thành của Trấn Vũ quán làng Ngọc Trì được sửa lại vào những năm gần cuối cùng của triều Nguyễn.

Pho tượng đúc Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Ngọc Trì cao 3, 8 mét, chu vi 8 mét, nặng 4 tấn, là tượng đồng thau lớn thứ hai ở nước ta hiện nay (sau tượng ở quán Trấn Vũ ở Quán Thánh). Tượng ở tư thế ngồi buông chân trên bệ, lưng thẳng, hai đùi để hơI doãng, đầu trần, mặc áo long bào đen có đai, hai chân không đI giày, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong thế ấn quyết, gươm Thất tinh ở tay phải, mũi gươm chống trên lưng rùa, mắt nhìn thẳng đầy uy lực. Tượng thể hiện sự điêu luyện trong nghệ thụât và kỹ thuật tạc tượng đồng lớn của người Việt. Ngoài bức tượng chủ đạo này, trong đền còn có 12 tượng “nguyên soái” - là các bộ tướng hộ vệ Thần đi trừ yêu quái, đều đúc bằng đất. Trtong đền còn có bài vị của linh Lang đại vương - thành hoàng làng Ngọc Trì, do đình làng không còn.

Hàng năm, vào các ngày mồng 3 tháng Ba (ngày sinh của Thần và mồng 9 tháng Chín (ngày hóa), dân làng Ngọc Trì tổ chức hội. Ngoài tế lễ, có trò kéo co luồn dây qua cột. Trai đinh các giáp cởi trần, đóng khố điều, chít khăn điều, chia thành hai phe : phe Mạn đường và phe Mạn chợ, mỗi phe có một tổng cờ (mặc áo đỏ, chít khăn đỏ) chỉ huy. Sau lễ trình thánh, dưới sự điều khiển của vị tiên chỉ làng (mặc áo thụng xanh, đội mũ tế tay cầm trống khẩu làm hiệu lệnh), trai đinh hai phe tiến hành kéo co qua một dây song to, nhẵn, dài 30 mét. Cột mốc là một cột trụ bằng lim, to như cột đình, chôn chặt xuống đất. Sợ dây song được luồn qua một lỗ của cột lim (từ lỗ xuống mặt đất cao bằng đầu gối người lớn. Trai đinh mỗi phe một đầu dây, từng người nắm dây ở các tư thế khác nhau. Sau khi có hiệu lệnh, hai Tổng cờ hô và quệt lá cờ lệnh vào mặt các trai kéo của phe mình, để thúc giục họ kéo dây. Các bà, các chị của từng phe dùng quạt, khăn lau chăm sóc trai đinh phe mình. Hai bên kéo cho đến khi ngã ngũ.Theo quan niệm của dân làng, nếu phe Mạn đường (mạn gốc) thắng thì năm đó làng có phúc lớn.

Kéo co qua dây là trò chơi dân gian độc đáo, ít thấy trên vùng châu thổ Bắc Bộ.

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Ngọc Trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.