Nông nghiệp

Làng nghề truyền thống “chạy nước rút” vào vụ Tết

Đỗ Minh 12/01/2025 - 07:04

Còn chưa đầy 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ, những ngày này các làng nghề truyền thống “chạy nước rút” để kịp cung ứng nhu cầu tiêu dùng vụ cuối năm. Được sự hỗ trợ của máy móc, khoa học công nghệ, năng suất làng nghề ngày một tăng, chất lượng sản phẩm tốt hơn và khẳng định vị thế trên thị trường...

lang-so.jpg
Người dân làng So, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) phơi miến thành phẩm. Ảnh: Nguyễn Quang

Gia tăng công suất

Thời điểm này, các làng nghề nông sản, thực phẩm truyền thống của Hà Nội hoạt động bất kể ngày đêm để bảo đảm các đơn hàng thị trường Tết. Khảo sát thực tế tại làng nghề miến dong làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) thấy rõ không khí hối hả, tấp nập. Từ trên đường đê ven sông Đáy dẫn vào làng đã thấy các giàn miến phơi trắng đồng. Trong làng, tiếng máy xay dong, cắt miến liên hồi...

Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên (huyện Quốc Oai) Dương Đình Khôi cho biết, công ty sản xuất quanh năm, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường 1,5 tấn miến thành phẩm. Ngoài bán ở thị trường trong nước, công ty còn xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)... Từ tháng 11-2024, công ty nâng công suất lên gấp đôi để phục vụ các đơn hàng dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày đạt khoảng 3 tấn miến khô. Vài năm trở lại đây, công ty có thêm sản phẩm hộp quà tặng Tết từ miến dong kèm phụ gia và được thị trường rất ưa chuộng vì sự tiện lợi và chất lượng bảo đảm...

Tương tự, những ngày này, khắp thôn Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) cũng nhộn nhịp với nghề truyền thống gói bánh chưng. Ngay từ đầu làng đã dậy mùi thơm của gạo nếp và lá dong... Bà Phạm Thị Lành - chủ hộ làm nghề chia sẻ, hằng ngày, gia đình phải thuê thêm 4-5 người gói bánh mới kịp “trả hàng”. Hầu hết các gia đình làm bánh đều đầu tư mua hệ thống nồi hấp, hút chân không nên khâu luộc, bảo quản cũng nhanh hơn trước. “Hiện tại, mỗi ngày gia đình gói khoảng 250-300 chiếc bánh chưng cả dài và vuông, trong đó nhiều đơn hàng đặt sớm để kịp chuyển ra nước ngoài cho người Việt xa xứ đón Tết cổ truyền với hương vị truyền thống”, bà Lành cho hay.

Không riêng các làng nghề nông sản, thực phẩm gia tăng công suất mà các làng nghề mỹ nghệ, gốm, may mặc… cũng đang “tăng tốc” cho các đơn hàng Tết. Tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), dịp này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Làng nghề trưng bày những sản phẩm lụa chất lượng, tinh xảo nhất phục vụ nhu cầu “diện” Tết của người dân. Chị Nguyễn Phương Linh, chủ cửa hàng Phương Linh Silk cho hay, trong 2 tháng giáp Tết, cơ sở sản xuất của cửa hàng phải tăng gấp 2-3 lần công suất. Sản phẩm chủ đạo là áo dài truyền thống, áo dài cách tân, khăn lụa, cà vạt lụa…

Nhiều giải pháp kích cầu

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó: 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được công nhận danh hiệu thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã... Các làng nghề Hà Nội thuộc 6/7 nhóm nghề trên cả nước như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn… Từ năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành trình UBND thành phố công nhận danh hiệu cho 35 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.

Năm 2024, Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố triển khai phối hợp với Hội đồng thủ công thế giới đề nghị công nhận 2 làng nghề của Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đến nay, Hội đồng thủ công thế giới đã có thư thông báo công nhận 2 làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Điểm nổi bật của các làng nghề truyền thống hiện nay là đều ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong sản xuất nên năng suất, chất lượng được nâng cao. Nhờ đó, cơ bản hàng hóa nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề đáp ứng nhu cầu thị trường Hà Nội và xuất khẩu đi nhiều nước.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Để bảo đảm hàng hóa nông sản, sản phẩm làng nghề cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra của Sở tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho hay, để bảo đảm nguồn cung và hỗ trợ khâu tiêu thụ, huyện đã xây dựng một số điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, hội chợ… nhằm kích cầu cho làng nghề.

Trước đó, Hà Nội đã ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ; kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2025. Thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm nguồn cung tại chỗ và kết nối, khai thác nguồn cung hàng hóa nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành phố. Theo đó, các làng nghề căn cứ dự báo thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề truyền thống “chạy nước rút” vào vụ Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.