Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe trẻ em nói

Kim Vũ| 16/06/2015 06:46

(HNM) - Hiện Hà Nội có hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 53.000 trẻ khác có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều trẻ tiếp xúc với môi trường sống còn tiềm ẩn nguy cơ bị bạo hành, thiếu chỗ vui chơi, giải trí… dẫn đến tình trạng bỏ học, bỏ nhà đi chơi game, a dua theo các bạn xấu...

Trẻ em thiếu địa điểm vui chơi

Tại Hà Nội, các dịch vụ xã hội, điểm vui chơi dành cho trẻ em còn hạn chế. Các công viên: Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Thủ Lệ, Bách Thảo, Công viên nước Hồ Tây; Bảo tàng Dân tộc học, Cung Thiếu nhi... còn thiếu nhiều thiết bị vui chơi; hoặc một số trung tâm thương mại, vui chơi lại quá xa trung tâm Hà Nội là Thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị sinh thái Ecopark, Làng gốm Bát Tràng… Với hơn 1,7 triệu trẻ em Hà Nội thì các điểm vui chơi trên còn thiếu và chất lượng dịch vụ chưa thể đáp ứng nhu cầu. Nhất là vào kỳ nghỉ hè, các điểm vui chơi công cộng trên đều quá tải, từ 1.000 đến 2.000 lượt vào ngày thường, vào ngày lễ cao điểm tới 4.000 lượt trẻ đến chơi mỗi ngày, tạo nên sự lộn xộn, phức tạp.



Tại nhiều khu chung cư gần các trục đường chính ở phố Bạch Mai, Nguyễn Chí Thanh… các tổ dân phố dùng sân chung cư làm nơi tổ chức sinh hoạt hè. Việc làm này rất có ý nghĩa, tạo sân chơi chung cho các em nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khi ô tô, xe máy đi lại trên đường dày đặc. Hoặc tại các nhà văn hóa phường, các thiết bị vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, lạc hậu, khó thu hút các em tham gia. Chẳng hạn, tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), giờ chỉ còn vài chục trẻ em buổi tối tập trung sinh hoạt hè ở Nhà Văn hóa Nguyễn Văn Thạc. Đây là khu vui chơi của phường nhưng chỉ có gian đọc sách nghèo nàn, cũ kỹ, sân của nhà văn hóa là nơi các cháu tập múa, hát. Thực tế, có hàng trăm trẻ em sinh sống tại đây nhưng do chất lượng nơi sinh hoạt, vui chơi kém nên chưa thu hút được các em.

Vì vậy, tại các khu dân cư, những khu vui chơi mi ni tự phát được một nhóm người tạo ra từ "cây nhà lá vườn" để trẻ em có sân chơi. Đó là vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, 50m chiều dài con phố Đào Duy Từ lại rộn vang tiếng cười trẻ nhỏ. Chúng được thoải mái hò hét, đùa nghịch với những đồ chơi gần gũi không độc hại... ngay trong lòng phố cổ Hà Nội chật hẹp. Đặc biệt, trẻ em ngoại thành nếu muốn đến các điểm vui chơi hiện đại phải di chuyển quãng đường hàng chục cây số, gây tâm lý mệt mỏi và chán nản. Vì vậy, các điểm vui chơi, sinh hoạt hè được mượn sân đình của làng.

Chuẩn bị tốt Diễn đàn trẻ em

Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trẻ em trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội luôn thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em trên địa bàn, thường xuyên tiến hành rà soát nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và can thiệp, trợ giúp hiệu quả những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị vi phạm quyền trẻ em, bị xâm hại, lạm dụng. Đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra để chấm dứt tình trạng điểm vui chơi bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Khi tổ chức các hoạt động tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, biểu dương những trẻ thiệt thòi có tinh thần vượt khó vươn lên, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng tổ chức các chương trình gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng, thăm hỏi, tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó là tổ chức các sự kiện, các đợt kêu gọi, vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt là các công trình trường học, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng, trường học.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Đặng Văn Bất, đơn vị này đề nghị các xã, phường thuộc các quận, huyện của Hà Nội thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra để tạo điều kiện cho trẻ em được cung cấp, chia sẻ thông tin qua các kênh thông tin đa dạng. Trong đó chuẩn bị tốt nhất Diễn đàn trẻ em diễn ra ngày 25-6 tới để "lắng nghe trẻ em nói", với sự tham gia của 80 trẻ em và 14 dẫn trình viên tham gia theo phương thức hội ý nhóm. Theo đó, phát hiện những vấn đề cụ thể mang tính nổi cộm, phổ biến chung liên quan đến việc trẻ em thực hiện quyền trẻ em đang diễn ra trên địa bàn thành phố; trẻ em tự đặt câu hỏi và tập trung thảo luận, phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp và khuyến nghị các vấn đề chính.

Các nhóm sẽ tổng hợp hệ thống câu hỏi, thông điệp để tham gia chương trình giao lưu, đối thoại với lãnh đạo thành phố. Sau đó sẽ lựa chọn 6 trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức vào tháng 8-2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe trẻ em nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.