Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe sự chuyển động…

Thi Thi| 18/12/2011 05:44

(HNM) - Hôm qua (17-12), cuộc hội ngộ lần thứ 17 trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam của những người làm điện ảnh cả nước đã khép lại với cuộc hội thảo "Điện ảnh Việt Nam - thực trạng và giải pháp" cùng lễ bế mạc và trao giải. Tuy chỉ diễn ra vài ngày song Liên hoan phim là cơ hội quý để những ai quan tâm đến môn "nghệ thuật thứ 7" cùng lắng nghe chuyển động của điện ảnh nước nhà…


Ai sẽ kéo lá cờ của điện ảnh Việt Nam?

Trong phần tôn vinh lớp nghệ sĩ điện ảnh trẻ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ hy vọng rằng, tất cả những người làm nghề và những ai yêu điện ảnh sẽ cùng tiếp bước thế hệ đi trước, chung tay kéo lá cờ điện ảnh nước nhà luôn tung bay.

Quách Ngọc Ngoan nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc.

Ở góc độ nào đó, đã có thể thấy rõ hơn những cuộc chung tay ấy  từ Liên hoan phim lần này. Có thể nói rất nhiều phim bắt đầu xóa nhòa ranh giới phân biệt, định kiến giữa phim nghệ thuật, phim "đặt hàng" của nhà nước với phim tư nhân. Phim truyện nhựa của tư nhân cũng không thiếu giá trị nghệ thuật và phim nhà nước không hề kém hấp dẫn. "Mùi cỏ cháy" của Hãng phim truyện Việt Nam có đề tài cũ - chiến tranh, nhưng đã gây xúc động lớn cho giới làm nghề và công chúng. Ngôn ngữ điện ảnh mới đã khiến chiến tranh được tái hiện sâu sắc qua thân phận con người. Nước mắt đã rơi từ hàng ghế người xem, không chỉ vì chuyện phim xúc động mà còn vì sức thuyết phục của hai từ "Phim Việt".

Một đề tài khó và tốn kém như của phim truyện lịch sử đã được cả đơn vị nhà nước và tư nhân cùng quan tâm, khai thác. Đã có những cuộc "hôn nhân hoàn hảo" giữa tác phẩm văn học và điện ảnh, thể hiện qua "Cánh đồng bất tận", "Tâm hồn mẹ"... Đề tài của phim truyện nhựa do hãng phim tư nhân làm đã chạm tới những góc khuất của xã hội, như đồng tính trong "Hotboy nổi loạn…". Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nói : "Nếu tinh ý có thể thấy trong Liên hoan phim này một cuộc xích lại gần nhau âm thầm giữa hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân".

Mặc dù không tham dự liên hoan song nhân sự kiện này, Phương Nam phim đã tranh thủ giới thiệu bộ phim truyện nhựa "Thiên mệnh anh hùng", một tác phẩm đậm chất võ hiệp, kỳ ảo, trinh thám. Chuyện phim lấy cảm hứng một phần từ tiểu thuyết "Bức huyết thư" của Bùi Anh Tấn, xoay quanh bí mật vụ thảm án Lệ Chi Viên. Hay dở chưa nói, nhưng phải ghi nhận sự bắt tay của một loạt đơn vị sản xuất, phát hành tư nhân như Phương Nam phim, Saiga Film, Hãng phim Thanh Niên, MegaStar. Trong đó, công nghệ quay phim được quảng bá là hiện đại nhất với loại máy quay từng được sử dụng trong tác phẩm đình đám thế giới "Avatar".

Nhìn thấy rõ trong nhiều bộ phim, thành phần đoàn phim đã "quốc tế hóa" với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, nhất là ở những khâu âm thanh, hình ảnh, quay phim. Rõ ràng là điện ảnh Việt Nam đang chuyển động, kéo theo sự hợp tác nhiều hơn giữa các thành phần làm phim, giữa các nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều "lò" đào tạo… Tuy nhiên, nói như NSND Huy Thành, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì "Nhà nước phải giữ dòng chủ lưu để đầu tư cho điện ảnh", một động lực lớn để kéo lá cờ điện ảnh Việt Nam.

Cánh đồng bất tận - giành Bông sen Vàng cho nữ diễn viên chính xuất sắc.

Đổi mới từ Liên hoan phim

Một diễn biến mới đáng chú ý ngay sau hội thảo ngày 16-12 là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát động Quỹ Hỗ trợ điện ảnh Việt Nam với 10 triệu đồng đầu tiên từ Bộ VH,TT&DL. Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Yên và các đơn vị làm phim đã hưởng ứng tức thời. Hãng phim truyện Việt Nam, Thiên Ngân, Hãng phim Lý Huỳnh ủng hộ hơn 240 triệu đồng… Quỹ Hỗ trợ điện ảnh Việt Nam chính thức ra mắt, khởi đầu cho một nguồn lực đầu tư mới cho điện ảnh. Đây cũng là xu  hướng tất yếu mà nhiều nước đã áp dụng nhằm phát triển điện ảnh. Như Vương quốc Anh, ngoài chính sách hoàn thuế (cho những tác phẩm chất lượng) từ Chính phủ, các nghệ sĩ điện ảnh còn nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ hàng loạt tổ chức như Film London, Viện Hàn lâm và nghệ thuật điện ảnh, Học viện phim Vương quốc Anh… Điện ảnh Hàn Quốc đi lên từ đầu những năm 1990 bằng 3 yếu tố, trong đó có đa dạng hóa nguồn vốn nhờ thành lập Quỹ Điện ảnh với sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân.

Một điểm mới khác trong Liên hoan phim Việt Nam lần này thể hiện ở đội ngũ giám khảo. Ban giám khảo phim Tài liệu - Khoa học chứng kiến sự đồng hành của những nghệ sĩ lão thành thế hệ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam như NSND Bùi Đình Hạc cùng nghệ sĩ trẻ thế hệ 7X như Nguyễn Thị Kim Hải (Đạo diễn phim tài liệu từng đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế - Việt Nam lần thứ I-2010). NSND Bùi Đình Hạc cho rằng: "Thành phần giám khảo đã có dấu hiệu đổi mới, nên duy trì khoảng 50% là thành viên trẻ". Đạo diễn, NSND Hải Ninh chia sẻ: "Liên hoan phim là dịp để khẳng định những tác phẩm điện ảnh giá trị, những sáng tạo mới trong nghệ thuật, phát hiện và tôn vinh tài năng…"

Cảnh trong phim "Long thành cầm giả ca".

Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn mong mỏi có một Liên hoan phim được tổ chức chuyên nghiệp hơn. NSND Huy Thành đề nghị phải tạo một thương hiệu cho Liên hoan phim Việt Nam, có bộ máy được trả lương để tổ chức sự kiện này. Sự thực, những bối rối vì thay đổi MC, người kéo cờ, những tình huống hậu trường vất vả vì ảnh hưởng của thời tiết… đã khiến cho sinh hoạt chuyên môn của giới điện ảnh có phần kém thăng hoa.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tới đây sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long. Mong "sen vàng" nhiều hơn là một nhẽ, mong hơn cả là việc tiếp tục xuất hiện những nhân tố mới, tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh cho điện ảnh nước nhà.

Không có Bông sen vàng cho phim truyện nhựa


Tối 17-12, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ 17 đã bế mạc. Tới dự lễ bế mạc có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, UV Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Hoàng Tuấn Anh, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Đào Tấn Lộc, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên...

LHP VN lần thứ 17 với sự góp mặt của 108 bộ phim (truyện nhựa, truyện video, tài liệu, khoa học và hoạt hình) được Bộ VH-TT&DL đánh giá là một kỳ liên hoan phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách thể hiện, có nội dung tư tưởng nhân văn… Điều này góp phần khẳng định sự phát triển sôi động và lành mạnh của điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên phim truyện nhựa Việt Nam không tìm được Bông sen vàng, chỉ có 3 Bông sen bạc là "Mùi cỏ cháy" (Hãng phim truyện Việt Nam), "Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt" (BHD), "Vũ điệu đam mê" (Công ty TNHH MTV Phim truyện Việt Nam). Trong đó nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Mỹ Hạnh (phim "Vũ điệu đam mê") và Lan Ngọc (phim “Cánh đồng bất tận”); Nam diễn viên xuất sắc nhất: Quách Ngọc Ngoan (phim "Long thành cầm giả ca"). LHP VN lần thứ 17 trao các Bông sen vàng cá nhân của phim truyện nhựa gồm Đạo diễn xuất sắc: Vũ Ngọc Đãng (phim "Hotboy nổi loạn"…), Biên kịch xuất sắc: Hoàng Nhuận Cầm (phim "Mùi cỏ cháy"), Quay phim xuất sắc: Nguyễn Nam (Phim "Hotboy nổi loạn") và K'Linh (Phim "Cô dâu đại chiến"). Hồ Vĩnh Khoa và Phương Thanh, Lê Khánh nhận giải Nam, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Âm nhạc xuất sắc nhất thuộc về Vũ Thiện Thanh, Huy Tuấn. Nghệ sĩ Bành Bắc Hải giành giải Thiết kế âm thanh xuất sắc nhất.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giành giải đạo diễn trẻ triển vọng (Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng).

Bông sen vàng của các thể loại gồm: "Bướm, côn trùng cánh vẩy" (phim khoa học); "Chiếc lá" (Hoạt hình); "Hồ Chí Minh khởi nguồn cảm hứng sáng tạo" (Tài liệu video); "Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc" (tài liệu nhựa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe sự chuyển động…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.