(HNM) - Đỗ Bích Thúy, cây bút nữ đằm thắm với những trang viết về vùng cao vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử.
Ngỡ là một thử nghiệm mới có phần xa lạ, nhưng may thay, câu chuyện mới, đề tài mới vẫn được vùng vẫy trên một không gian văn hóa dân tộc và miền núi vô cùng đặc sắc với độc giả, thân thuộc với nhà văn. Từ đây, lại thấy hình như văn học đề tài này chưa bao giờ thôi lặng lẽ cống hiến cho văn chương nước nhà.
Hơn nửa thế kỷ văn học dân tộc và miền núi
Dân tộc và miền núi là một mảng đề tài vô cùng hấp dẫn của văn học nước nhà. Bên cạnh các tác giả người Kinh có cả các tác giả thuộc nhiều dân tộc miền núi như Tày, Mường, Thái, Hoa, Ê Đê… Năm 2007, NXB Giáo dục đã ấn hành "Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi" in thành hai tập Thơ và Văn xuôi. Nhìn riêng mảng văn xuôi thấy rõ cả một vùng văn chương miền núi đặc sắc trải suốt hơn nửa thế kỷ qua với nhiều lớp nhà văn. Trong đó, trước năm 1945 đã có những tác phẩm đến nay vẫn còn những giá trị nhất định như "Vàng và máu" (1934) của Thế Lữ, "Chuyện đường rừng" (1940) của Lan Khai, "Kòn Trô" (1941) của Lý Văn Sâm…
Sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta lại có một loạt tác giả, tác phẩm mới về đề tài này. Đầu tiên phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với truyện vừa "Giấc ngủ mười năm" về cuộc đời anh cố nông người Nùng - Nông Văn Minh. Bên cạnh đó là Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao. Tiếp đó có Nguyên Ngọc, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc, Triều Ân, Vi Hồng, Nông Viết Toại, Vi Thị Kim Bình, Vương Trung, Lò Văn Sĩ… Trong 3 thập kỷ cuối của thế kỷ XX, hình tượng người dân tộc và cuộc sống miền núi vẫn lặng lẽ lay động người đọc qua những trang viết của Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam…, rồi Mã A Lềnh, Hà Lâm Kỳ, Cao Duy Sơn, La Quán Miên, Hoàng Quảng Uyên, H'Linh Nie.
Lặng lẽ một vùng mê đắm
Cho đến nay, văn học đề tài này vẫn có sự tiếp bước, tuy chưa có nhiều gương mặt nổi trội song đã tiếp tục gây được ấn tượng với người đọc. Đỗ Bích Thúy là một ví dụ, không chỉ đặc sắc về giọng văn, cây bút này sau khi "về phố" đã không ngừng tìm tòi, ra mắt bạn đọc những tác phẩm mới mà ở đó cảm hứng vùng cao vẫn thật đậm đà. Sau nữa, phải kể đến một số tác giả khác như Đoàn Hữu Nam, Chu Thị Minh Huệ… Đặc biệt, Chu Thị Minh Huệ là cây bút còn khá trẻ, hiện vẫn đang sống và làm việc ở vùng cao Hà Giang.
Tuy nhiên, phải nói rằng đã lâu lắm rồi giới chưa có những hoạt động nghề nghiệp nhằm nắm bắt những diễn biến mới của văn học đề tài dân tộc và miền núi. Không chỉ để nói về những cây bút trẻ hoặc mới xuất hiện mà cũng cần đón nhận, đánh giá tác phẩm của nhiều nhà văn đã thành danh. Như nhà văn Ma Văn Kháng vừa qua đã cho ra đời "Chuyện của Lý" cũng lấy bối cảnh miền núi. Hay nhà văn Cao Duy Sơn, người giành nhiều giải thưởng văn học về đề tài này cũng đã hoàn thành bản thảo một tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết mới…
Hoàn toàn có lý khi một nhà nghiên cứu cho rằng: Các công trình sưu tầm, nghiên cứu, phê bình văn học…, các sách giáo trình, giáo khoa viết về văn học các dân tộc thiểu số nói chung vẫn trong tình trạng thưa thớt, ít ỏi, chưa xứng với vị trí và giá trị nhiều mặt của bộ phận văn học này. Với đặc trưng của một thứ ngôn ngữ giàu tính tạo hình, văn học đề tài dân tộc và miền núi còn mang một sứ mệnh giáo dục, chuyển tải văn hóa đặc biệt. Quả thật thế! Cho đến nay, "Rừng xà nu" của Nguyên Ngọc vẫn ám ảnh với: "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương… Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn". Dương Thuấn nhà thơ dân tộc Tày làm nao lòng người đọc khi viết: "Sớm mai anh xuống núi/Lá giầu em rọc đôi/Nửa em ủ dưới gối? Nửa anh mang về xuôi/Anh giữ lành anh nhé/Thơm cay một lá giầu/Đừng để rơi một nửa/Làm nửa lá kia đau"…
Nếu đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy thật thong thả sẽ thấy thêm một điều chưa được nói nhiều: Đó là chất văn trong sáng, đằm thắm, đầy sức gợi trong tác phẩm của chị còn có thể giúp cho độc giả nhất là trẻ em cảm thụ văn chương, cảm thụ đời sống, con người một cách tự nhiên. Dám chắc "Tết của mẹ", "Một loài hoa thương nhớ", "Trên căn gác áp mái"… có thể trở thành cầu nối để trẻ em không còn sợ văn nữa, để thấy rằng văn chương là thú vị và gần gũi với các em biết bao nhiêu. Với thanh thiếu niên ở đô thị, đây thậm chí còn là một vùng văn hóa đầy mới lạ, hấp dẫn, không kém gì những câu chuyện phiêu lưu của văn chương nước ngoài… "Mỗi lần đưa con về quê ngoại là một lần tôi được trở lại thế giới thần tiên của mình. Đó là căn gác áp mái… Và bên ngoài ô cửa nhỏ tí bố tôi lắp bằng một mảnh kính kia, cách một vài ngọn cây là rừng mả. Đứng ở đó, nhìn ra có thể thấy rất rõ những chú sóc đẹp như trong truyện cổ tích với cái đuôi rất dài, mắt tròn xoe, đen óng ánh, gặm một cách vội vã những thứ quả kiếm được…" ("Trên căn gác áp mái" của Đỗ Bích Thúy).
Thú vị, hấp dẫn như vậy, nhưng tiếc là chúng ta chưa khai thác được vẻ đẹp, giá trị nhân văn của văn học đề tài dân tộc và miền núi trong giảng dạy, trong quảng bá văn hóa… Và như một nhà văn chia sẻ: Thực tế thì hiện nay có rất ít cuộc vận động, đầu tư sáng tác cho đề tài này, chủ yếu các nhà văn vì yêu thích hoặc vì đã gắn bó nhiều năm với miền núi mà theo đuổi thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.